Hàng rào bảo vệ bị phá vỡ
Mỗi lần con gái bị ho, sốt, sổ mũi là chị Trần Thanh Ngọc (ngụ quận 8, TPHCM) lại chạy ra nhà thuốc gần nhà để mua các loại thuốc điều trị, trong đó có kháng sinh. Với suy nghĩ bệnh cảm cúm chưa đến mức phải đi khám bệnh, chị Ngọc thường xuyên tự mua thuốc cho con uống. Còn anh Lê Minh Bình (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) lại hay sử dụng đơn thuốc cũ của con trai lớn để mua thuốc cho con trai nhỏ khi có triệu chứng bệnh tương tự. “Trẻ con thì loanh quanh mấy triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, nhiễm khuẩn hô hấp nên thuốc uống cũng chỉ là mấy loại thông thường, có đi bác sĩ thì cũng kê mấy loại thuốc đó thôi”, anh Bình lý giải.
Theo bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), sử dụng lại toa thuốc cũ là thói quen thường gặp và nguy hiểm của nhiều phụ huynh. Phụ huynh đưa con đi khám bác sĩ được cho toa thuốc uống khỏi bệnh, lần sau thấy trẻ bệnh tương tự lại đem toa đi mua thuốc về uống. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh thường ngưng thuốc cho con sau khi con uống được 2-3 ngày và thấy triệu chứng thuyên giảm, hoặc đang theo bác sĩ này nhưng không hiệu quả liền đổi sang bác sĩ khác với toa thuốc khác. Thậm chí, phụ huynh không biết con đang được uống kháng sinh, chỉ nghĩ rằng những thuốc đó có tác dụng chữa bệnh. “Việc sử dụng kháng sinh sai, bừa bãi gây hậu quả rất lớn vì khả năng rất cao là cơ thể sẽ kháng lại loại thuốc này”, bác sĩ Nguyễn Trần Nam thông tin.
Theo các chuyên gia y tế, hệ thống miễn dịch của cơ thể có chức năng chống các tác nhân bất thường xâm nhập; đồng thời ghi nhớ để giúp nhận diện nhanh, mạnh mẽ hơn, đáp ứng tốt hơn khi tác nhân đó xâm nhập lần sau. Khi dùng kháng sinh bừa bãi, nghĩa là đã loại bỏ vai trò của hệ thống miễn dịch. Nếu có vi trùng, vi khuẩn xâm nhập, sử dụng kháng sinh thì kháng sinh sẽ tiêu diệt, trong khi hệ thống miễn dịch của cơ thể chưa kịp nhận diện. Vì vậy, khi vi trùng hay vi khuẩn tấn công lần sau, hệ miễn dịch chưa được ghi nhớ để chống lại. Lâu dần, cơ thể sẽ phụ thuộc vào kháng sinh, mất khả năng tự chống đỡ. Lạm dụng kháng sinh chính là đã bỏ đi vũ khí hiệu quả chống lại vi trùng, vi khuẩn khiến việc điều trị, cứu chữa ngày càng khó khăn.
Mối nguy ảnh hưởng toàn cầu
Tại Hội thảo kháng kháng sinh - cơ hội và thách thức, do Bộ Y tế tổ chức mới đây, TS-BS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho rằng, mức độ kháng thuốc ở Việt Nam ngày càng trầm trọng và gây áp lực lớn lên sức khỏe cộng đồng. Ngoài gánh nặng tài chính do việc điều trị kéo dài, bệnh nhân còn phải đối mặt với khả năng một tương lai không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả đối với một số bệnh nhiễm khuẩn, nhất là đối với các phẫu thuật và điều trị như hóa trị liệu ung thư và cấy ghép mô. Kháng kháng sinh là một mối nguy cơ ảnh hưởng tới toàn thế giới do các hoạt động lạm dụng và sử dụng kháng sinh sai mục đích, do quá trình lây lan và truyền kháng, do việc nhiễm trùng hoặc ô nhiễm môi trường gây ra. Ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở y tế đang phải đối mặt với mức độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh, đặc biệt ở nhóm cephalosporin thế hệ 3, 4, nhóm aminosid và fluoroquinolon.
Theo PGS-TS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, trong năm 2021, bệnh viện ghi nhận 5 loại vi khuẩn đa kháng nhiều nhất, gồm: A.baumannii; E.coli; S.aureus; K.pneumoniae; P.aeruginosa. Đây là mối đe dọa hàng đầu với bệnh nhân. Vi khuẩn đa kháng thuốc đang trở thành đại dịch âm thầm diễn ra trên toàn cầu. Nếu không có giải pháp can thiệp phù hợp, bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong hàng loạt vì không còn thuốc chữa. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, ngoài điều trị những trường hợp nhiễm nặng hoặc đồng nhiễm, bội nhiễm, các chuyên gia y tế đã ghi nhận sự xuất hiện và gây tử vong nhiều hơn bởi các loại vi khuẩn gram âm đa kháng. Nhiều bệnh nhân vượt qua được các nguy cơ về Covid-19 lại tiếp tục rơi vào nguy kịch, tử vong do nhiễm trùng bệnh viện. “Tình trạng nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc đã khiến nhiều bệnh nhân không chết vì Covid-19 mà chết vì nhiễm khuẩn. Tất cả các loại vi khuẩn kháng thuốc trên thế giới đều đã xuất hiện. Vi khuẩn đa kháng thuốc sẽ vô hiệu hóa hiệu quả điều trị của các loại kháng sinh, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong cho rất nhiều bệnh nhân”, PGS-TS Phạm Thị Ngọc Thảo nhấn mạnh.
Tương tự, một nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 cho thấy, tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh ở bệnh nhân Covid-19 rất cao. Trong đó, tỷ lệ vi khuẩn Acinetobacter kháng nhóm kháng sinh Carbapenem là 60% và chỉ còn nhạy 82% với Colistin, 54% với Minocyclin. Đối với vi khuẩn Klebsiella, có tới 70% số chủng phân lập được kháng Carbapenem, số kháng sinh còn nhạy để lựa chọn cho các chủng này rất ít. Ngoài ra, tỷ lệ vi khuẩn đa kháng chiếm 33%, kháng mở rộng chiếm 52%, toàn kháng là 15% trên bệnh nhân Covid-19 từng điều trị tại đơn vị này.
Kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn, không có tác dụng với virus, trong khi đa phần bệnh lý tai mũi họng là do nhiễm virus. Do đó, nếu trẻ không được bác sĩ kê kháng sinh, phụ huynh không tự ý yêu cầu kê thêm kháng sinh và tuyệt đối không tự ý đi mua kháng sinh cho trẻ dùng. Nếu được kê đơn có kháng sinh, cần dùng hết đơn thuốc, dù thấy trẻ đã thuyên giảm. Phụ huynh cũng không được giữ đơn thuốc lại để tự dùng cho lần bệnh sau, và tuyệt đối không dùng đơn kháng sinh của trẻ khác cho con mình dù có các triệu chứng tương tự. |