Gây ô nhiễm và xâm nhập mặn
Theo PGS-TS Hà Quang Khải, Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), các nghiên cứu năm 2015 cho thấy sụt lún tại TPHCM lên đến 4cm/năm, phần lớn liên quan đến hoạt động của con người, trong đó một phần do khai thác nước ngầm. Nhiều nghiên cứu của Trường ĐH Bách khoa TPHCM ghi nhận tình trạng khai thác nước ngầm dẫn đến xâm nhập mặn ở huyện Nhà Bè, Bình Chánh. Cùng với đó, các hoạt động trên mặt đất như sử dụng phân bón, nước thải cũng khiến chất lượng nguồn nước ở huyện Củ Chi, Hóc Môn bị ô nhiễm.
Theo các chuyên gia, TPHCM cần sớm có các giải pháp hiệu quả trong việc hạn chế khai thác, sử dụng hợp lý cũng như bảo vệ nguồn nước ngầm. Theo ghi nhận từ năm 2000 đến nay, lượng khai thác nước ngầm trên địa bàn TPCHM ngày càng tăng, hiện tại đã lên đến hơn 700.000m³/ngày.
Theo ông Huỳnh Thanh Nhã, Trưởng Phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản, Sở TN-MT TPHCM, 2 nhóm đối tượng sử dụng nước ngầm hiện nay là doanh nghiệp (sử dụng nước ngầm phải xin phép) và người dân. Với các doanh nghiệp, sở yêu cầu phải có cam kết kế hoạch giảm việc khai thác nước ngầm hàng năm. Riêng người dân, hàng năm sở đều phối hợp với quận, huyện, phường, xã rà soát danh sách hộ dân sử dụng nước sạch sinh hoạt. Qua khảo sát cho thấy, đa phần nhu cầu sử dụng nước ngầm là dùng để tưới tiêu, tắm giặt.
Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết thêm, Sawaco đang đảm nhận cung cấp nước hầu hết tại TPHCM, trừ huyện Củ Chi, sản lượng cung cấp 1,9 triệu m3/ngày, trong đó sản lượng nước ngầm chiếm 3%. Theo chủ trương của TPHCM, Sawaco đang thực hiện lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm. Trước đây, nước ngầm được khai thác hơn 130.000m³/ngày đêm. Hiện nay, sau hơn 10 năm, ngành cấp nước thành phố đã giảm tổng lượng khai thác còn 70.000m³/ngày. Đến năm 2021, lưu lượng khai thác nước ngầm tiếp tục giảm về mức 66.000m³/ngày, hầu hết các trạm cấp nước duy trì khai thác đều thuộc huyện Bình Chánh.
Theo ông Bùi Thanh Giang, ngành cấp nước đặt mục tiêu giảm mạnh việc khai thác nước ngầm bằng cách tập trung đầu tư lắp đặt hệ thống mạng lưới cấp nước nhằm bao phủ toàn thành phố. Từ năm 2017, Sawaco đã hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch cho 100% hộ dân qua nhiều giải pháp như phát triển mạng lưới, gắn đồng hồ, bồn chứa nước tập trung... Dù vậy, hiện nhiều nơi người dân vẫn sử dụng nước ngầm (chiếm gần 8% số khách hàng), dù đã được cấp nước sạch. Sawaco đặt mục tiêu năm 2022, việc khai thác nước ngầm về mức 60.000m³/ngày và năm 2023 giảm về mức 50.000m³/ngày.
Cần các giải pháp đồng bộ
Điểm khó khăn trong việc cấp nước hiện nay, dù đơn vị cấp nước ưu tiên gắn đồng hồ nước cho người dân, nhưng nhiều hộ được gắn đồng hồ nước lại không sử dụng. Theo Sawaco, tháng 2-2022, TPHCM có 1.534.000 đồng hồ, trong đó có 173.000 đồng hồ nước không sử dụng. Số đồng hồ nước này tập trung ở các huyện: Hóc Môn, Bình Chánh và các quận: Gò Vấp, Bình Thạnh, quận 12. Ngoài ra, toàn thành phố có khoảng 20% đồng hồ sử dụng mỗi kỳ chỉ 0-4m3 nước.
Trong đó, chất lượng nước ở các quận như: 12, Bình Tân, Tân Bình và huyện Bình Chánh, Hóc Môn có tỷ lệ mẫu nước ngầm đạt chất lượng không cao. Bác sĩ Cao Ngô Lẫm, Trưởng Khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), thông tin, năm 2015 HCDC đã lấy mẫu 1.400 mẫu giếng khoan, sau khi xét nghiệm, tỷ lệ nước không đạt chỉ tiêu hóa lý lên đến hơn 70%, chỉ tiêu vi sinh không đạt từ 2-5%. Riêng năm 2021, xét nghiệm 160 mẫu nước giếng khoan, về chỉ tiêu hóa lý chỉ đạt 3 mẫu, về vi sinh đạt 85%.
Hiện nay, rất nhiều người dân trên địa bàn TPHCM vẫn sử dụng nước ngầm mà không quan tâm đến chất lượng, không lấy mẫu xét nghiệm. Chỉ khi có những dấu hiệu bất thường về mùi vị, màu sắc, người dùng mới lo lắng, tìm hiểu nguyên nhân. Hiện nay, Bộ Y tế đã có quy chuẩn đánh giá chất lượng nước sinh hoạt mới với 99 chỉ tiêu. Nếu đánh giá chất lượng nước giếng khoan theo quy chuẩn này, 100% mẫu sẽ không đạt.
Thực tế, việc khai thác nước ngầm không phép là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước. Theo quy định, nếu khai thác tràn lan nguồn nước ngầm không theo quy định sẽ bị xử lý vì làm ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. Để bảo vệ nguồn nước ngầm và hạn chế trình trạng khai thác nước ngầm tràn lan, Luật Tài nguyên nước năm 2012 nghiêm cấm hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước ngầm trái phép.
Theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM, nguồn tài nguyên nước không là vô hạn, hiện nay ô nhiễm nguồn nước sông, kênh rạch ngày càng trầm trọng, nếu không bảo vệ nước ngầm, trong tương lai các đô thị lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Thực tế, tại TPHCM, nhiều quận, huyện có đến vài chục ngàn giếng khoan. Do đó, việc tăng cường tuyên truyền về hậu quả, chất lượng nước ngầm đến người dân là vô cùng cần thiết. Việc tuyên truyền phải đồng bộ và chế tài xử phạt nghiêm minh. Bên cạnh đó, cần nghiêm cấm sử dụng nước giếng khoan tại các khu vực ô nhiễm; ngành tài nguyên môi trường cần thực hiện đề án hỗ trợ chi phí trám lấp giếng khoan. Thực tế, khi có sự vào cuộc đồng bộ của các sở ngành liên quan, thực trạng khai thác nước ngầm tràn lan như hiện nay mới sớm được giải quyết.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo Điều 9, Nghị định 36/2020 về mức phạt đối với hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép, mức phạt cao nhất từ 110-140 triệu đồng nếu khai thác với lưu lượng từ 2m³/giây trở lên. Ngoài ra, cá nhân, hộ gia đình vi phạm sẽ bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước với các hành vi vi phạm. |