Hàng loạt trường từ 30% - 64% giảng viên trình độ ĐH
Cuộc tổng kiểm tra được Bộ GD-ĐT giao cho 4 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam và ĐH Đà Nẵng tiến hành từ tháng 3-2017 đến cuối tháng 11. Những nội dung thẩm định gồm cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, quy mô tuyển sinh… Trong đó, kết quả về đội ngũ giảng viên rất đáng báo động.
Có đến 20 trường, số giảng viên chỉ có trình độ ĐH chiếm 30% - 64%. Điển hình như: ĐH Võ Trường Toản, 252/392 giảng viên cơ hữu có trình độ ĐH (chiếm gần 64,3%); ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương là 179/297 (hơn 60%); ĐH Phan Chu Trinh 39/76 (trên 51%); ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương 81/165 (hơn 49%); ĐH Điều dưỡng Đại Nam 100/205 (gần 49%); ĐH Công nghệ dệt may Hà Nội 126/276 (trên 45%); ĐH Y Dược Cần Thơ 142/445 (trên 32%)… Ngay tại Hà Nội và TPHCM, nhiều trường ĐH vẫn có hàng trăm giảng viên trình độ ĐH, như: ĐH Y Dược TPHCM 179/1.038; ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch 103/371; ĐH Công nghiệp Hà Nội 123/1.063; ĐH Lâm nghiệp 128/533; ĐH Công nghệ TPHCM 224/944; ĐH Nông lâm TPHCM 131/639.
Một thực tế đáng nói nữa là hàng loạt trường ĐH có đội ngũ giảng viên chưa tới 100 người, có trường chỉ có vài chục người. Trường ĐH Gia Định hơn 10 năm thành lập chỉ có 39 giảng viên, ĐH Y khoa Tokyo - Việt Nam 33 giảng viên, ĐH Trưng Vương 36 người, Phân hiệu ĐH Thái Nguyên tại Gia Lai 31 người, ĐH Quốc tế Bắc Hà 41 người, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội 43 người, ĐH Hùng Vương (TPHCM) 59 người…
Trước đó, đầu năm 2014, Bộ GD-ĐT thông báo quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo của 71 trường ĐH và 296 ngành đào tạo CĐ của 74 trường ĐH. Nguyên nhân chính là do số ngành trên không đạt đủ điều kiện tối thiểu (giảng viên) để đào tạo theo Điều 2, Điều 3 của Thông tư 08. Đáng nói hơn, trong 71 trường có ngành bị dừng tuyển sinh lại có tên của khá nhiều trường ĐH công lập có tên tuổi như ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Thậm chí, ngay cả 2 ĐH hàng đầu của cả nước là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM cũng không thoát khỏi thực tế đáng buồn này.
Phải chấm dứt
Tính từ khi ban hành Thông tư 08 (cuối năm 2011) đến nay, có thể nói khoảng thời gian 6 năm là đủ để các trường nâng chuẩn đội ngũ giảng viên và đủ để Bộ GD-ĐT xử lý các trường không đủ chuẩn giảng viên (một trong những điều kiện quan trọng nhất để đảm bảo chất lượng đào tạo).
Thông tư 08 quy định rất rõ: Các trường ĐH, học viện được xem xét để mở ngành đào tạo trình độ ĐH khi bảo đảm có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 3 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký. Sau đó 1 năm, Luật Giáo dục đại học có hiệu lực; tại mục 3, Điều 54 quy định cụ thể: Chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ ĐH là thạc sĩ trở lên. Trường hợp đặc biệt ở một số ngành chuyên môn đặc thù do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH ưu tiên tuyển dụng người có trình độ từ thạc sĩ trở lên làm giảng viên.
Ngoài kết quả kiểm tra vừa rồi, trong thời gian từ năm 2011 đến nay, Bộ GD-ĐT đã có ít nhất 3 cuộc thanh tra, kiểm tra. Cụ thể, cuối năm 2011 kiểm tra việc cam kết thành lập trường của 24 trường ĐH, thì đến 41 ngành không có giảng viên là tiến sĩ, 12 ngành không có tiến sĩ và thạc sĩ, thậm chí có ngành chưa có giảng viên cơ hữu và nhiều giảng viên chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Đầu năm 2014, Bộ GD-ĐT thông báo 503 ngành ở các trường bị dừng tuyển sinh do “trắng” điều kiện tối thiểu về giảng viên. Năm 2015, qua rà soát thì tỷ lệ sinh viên/giảng viên là 22,7 (nhiều trường có tỷ lệ này khá cao, có trường hơn 50 sinh viên/giảng viên). Trong số 3.575 ngành đào tạo được khảo sát, trên 500 ngành có tỷ lệ vượt quá 30 sinh viên/giảng viên, trong đó gần 100 ngành có trên 100 sinh viên/giảng viên (chủ yếu ở khối ngành kinh tế, quản lý, luật và giáo dục).
Như vậy, dù có quy định, các trường vẫn vi phạm, nhưng dường như Bộ GD-ĐT không muốn mạnh tay với “căn bệnh” trên.
Trong năm 2017, cả nước có 235 cơ sở giáo dục ĐH (không tính các trường khối an ninh, quốc phòng), quy mô đào tạo hơn 1,76 triệu sinh viên. Tổng số giảng viên là 72.792 người; trong đó, giáo sư 574 người, phó giáo sư 4.113 người, tiến sĩ 16.514 người, thạc sĩ 43.127 người, ĐH-CĐ và trình độ khác 12.628 người (chiếm hơn 17,3%).
Trao đổi về vấn đề này, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, cho rằng: “Trước hết, bản thân các trường phải quyết định và ý thức được chuyện nâng cao trình độ giảng viên là một trong những yếu tố quyết định đến việc đảm bảo chất lượng đào tạo, chất lượng “sản phẩm” của mình. Về giảng dạy lý thuyết thì bắt buộc giảng viên phải có trình độ thạc sĩ trở lên.
Còn về thực hành, hướng dẫn thực hành, hay nhân viên các phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất, thư viện… nếu cũng là thạc sĩ thì uổng phí. Các trường chỉ nên duy trì khoảng 10% cán bộ có trình độ ĐH là hợp lý”. Việc có những trường tồn tại tới 30% - 64% giảng viên cơ hữu trình độ ĐH thì không thể chấp nhận, phải chấm dứt và Bộ GD-ĐT phải có biện pháp chế tài mạnh, không thể để kéo dài tình trạng ĐH dạy ĐH như hiện nay.