Tăng cường dạy bơi cho học sinh
Theo Cục Trẻ em (Bộ LĐTB-XH), bình quân mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ đuối nước. Tuy nhiên, hiện cả nước chỉ có 42/63 tỉnh, thành phố có ngân sách để đầu tư riêng cho phòng chống đuối nước. Bên cạnh đó, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy chỉ có gần 2.200/25.000 trường học có bể bơi (chiếm 8,63%); tỷ lệ học sinh biết bơi chỉ chiếm 33,59%. Bộ LĐTB-XH đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt và hiệu quả các chương trình của Chính phủ như: Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030; các công điện, công văn của Ủy ban Quốc gia về trẻ em có nội dung về công tác phòng chống đuối nước trẻ em. Đồng thời tăng cường tổ chức các lớp dạy bơi; có các giải pháp truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước cho phụ huynh, học sinh và cộng đồng dân cư…
Để giảm đến mức thấp nhất số lượng trẻ tử vong do đuối nước, nhất là trong dịp hè, chị Trịnh Thị Hiền Trân, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TPHCM, thông tin, hơn 10 năm qua, TPHCM đã triển khai chương trình phổ cập bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ. Mục tiêu của chương trình là trên 60% trẻ từ 6-16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước vào năm 2025, và đạt 70% vào năm 2030; 50% trẻ từ 6-16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025, và đạt 60% vào năm 2030. Trước mỗi dịp hè, Thành đoàn TPHCM đều có kế hoạch chi tiết, cụ thể thực hiện Chương trình Bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ trên địa bàn của thành phố. Kết quả là bình quân khoảng 1.000 trẻ được dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước mỗi dịp hè.
Cô Trần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1, TPHCM), cho biết, từ năm 2011, quận 1 đã đưa chương trình giáo dục kỹ năng bơi lội và võ thuật trở thành môn học bắt buộc trong trường tiểu học. 100% học sinh được quận hỗ trợ toàn bộ học phí. Bên cạnh việc được học các kỹ thuật về bơi lội, học sinh của các trường còn được huấn luyện viên của Trung tâm TDTT quận 1 dạy các kỹ năng xử lý tình huống khi bơi, như: cần khởi động kỹ trước khi xuống nước; xử lý ra sao khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy; cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi… “Tôi rất mong mô hình này sẽ được nhân rộng nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng bơi lội cho học sinh, tránh được những vụ đuối nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi học sinh không có người lớn bên cạnh”, cô Hồng Hạnh chia sẻ.
Trang bị kỹ năng cứu người đuối nước
BS CKII Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cho hay, từ tháng 4 trở lại đây, bệnh viện tiếp nhận một số ca trẻ em ở các tỉnh, thành phố bị tai nạn đuối nước, khi chuyển về cấp cứu đều trong tình trạng nguy kịch. Đuối nước thường xảy ra rất nhanh, nếu phát hiện muộn thì rất khó cứu hoặc cứu được cũng để lại di chứng ở não, hệ thần kinh hay sống đời thực vật. Người lớn cần thận trọng khi cho trẻ nhỏ ở xung quanh khu vực có chứa nước; giám sát trẻ chặt chẽ bất cứ khi nào trẻ chơi ở các khu vực có nước. Trong nhà, nên đóng cửa phòng tắm khi không sử dụng; nên cho trẻ học bơi để phòng tránh đuối nước.
Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TPHCM, cũng khuyến cáo: “Người lớn và trẻ nhỏ đều cần được trang bị các kỹ năng bơi lội cũng như cách thoát khỏi đuối nước. Các hồ bơi phải được trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ, có nhân viên cứu nạn cứu hộ trực 24/7. Khi trẻ em tham gia bất cứ hoạt động đường thủy nào cũng phải mặc áo phao. Ngoài ra, trên tàu, thuyền phải được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ đảm bảo tiêu chuẩn để sử dụng khi không may có tai nạn xảy ra. Trường hợp không may trẻ bị đuối nước, nếu không biết bơi, người lớn cần tìm khúc gỗ, phao… ném xuống cho trẻ bám vào và hô hoán để người biết bơi tới ứng cứu. Tuyệt đối không nhảy xuống nước nếu không biết bơi, vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn”.
Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở. Lúc đã đưa được nạn nhân lên bờ, cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Nếu nạn nhân tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ấn tim ngoài lồng ngực - dùng 2 tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút. Đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.
Thời gian qua, nhiều trường học ở tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức tuyên truyền, trang bị kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước, tai nạn thương tích cho các em học sinh. Tại các buổi tuyên truyền, các em học sinh được thông tin về tình hình tai nạn đuối nước, các nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước; được hướng dẫn thực hành các biện pháp phòng tránh tai nạn đuối nước, các kỹ năng bơi lội, kỹ thuật ứng cứu và sơ cấp cứu ban đầu đối với nạn nhân bị đuối nước…
DƯƠNG QUANG