Sông Hoài bốc mùi
Được ví như dòng sông thơ mộng chạy ngang qua đô thị di sản nhưng hiện sông Hoài đã trở nên “khó gần” hơn vì mức độ ô nhiễm, hôi thối, nhất là buổi trưa nắng gắt, nước sông khô cạn.
Thời điểm này đứng tại các tuyến đường Công nữ Ngọc Hoa, Bạch Đằng hay Nguyễn Phúc Chu mới cảm nhận được sự ngột ngạt hôi hám từ dòng sông bốc lên.
Kể cả khu vực Chùa Cầu, biểu tượng của di sản Hội An và Quảng Nam mức độ hôi thối cũng không hề thua kém.
“Để giải quyết triệt để 60% lượng nước thải đô thị còn lại, thành phố sẽ thực hiện phương án thu gom, xây dựng các trạm xử lý nước thải phân tán, bước đầu đã thiết kế đầu tư các trạm xử lý tại Khu tái định cư Làng Chài, Khu công nghiệp Thanh Hà, Khu đô thị Thanh Hà. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng đã hỗ trợ thiết kế, xây dựng Trạm xử lý nước thải Chùa Cầu có công suất 2.000 m3/ngày với tổng mức đầu tư trên 243 tỷ đồng, dự kiến năm 2019 sẽ khánh thành. Khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết được vấn đề nước thải sinh hoạt khu vực phường Tân An và khu dân cư thuộc tỉnh lộ 607, ước chiếm khoảng 30% lượng nước thải của thành phố”, ông Dũng cho biết.
Nỗi lo rác thải
Không phủ nhận những năm qua công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan đô thị của TP Hội An đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về bảo vệ môi trường trong nhân dân được nâng lên đáng kể; mức độ ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường từng bước được hạn chế, khắc phục; công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các công trình kiến trúc, các di sản văn hóa đã đạt được nhiều tiến bộ rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Ông Nguyễn Đình Hùng, Trưởng Phòng TN -MT TP Hội An thừa nhận, một vấn đề đáng lo ngại nhất của thành phố hiện nay chính là rác thải.
Theo tính toán của Phòng TN-MT Hội An, tổng khối lượng rác thải sinh hoạt thu gom, vận chuyển và xử lý mỗi ngày trên địa bàn thành phố khoảng 71,12 tấn, tương đương trên 26.031 tấn/năm. Ngoài ra, có thể kể đến chất thải do hoạt động xây dựng; rác thải nguy hại tại các cơ sở y tế, bệnh viện; rác thải ruộng đồng….
Tuy vậy, đến nay Hội An mới chỉ xây dựng được 1 nhà máy xử lý rác thải và 1 lò đốt rác tại Cẩm Hà công suất 80 - 100 tấn/ngày đêm (theo công suất thiết kế). Tuy vậy, khi đưa vào vận hành, nhà máy này chỉ đạt tối đa 55 tấn/ngày đêm. Trong khi đó, lượng rác thải ra của thành phố đang có xu hướng tăng thêm khi các ngành dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã triển khai và duy trì các mô hình về quản lý chất thải rắn như: “Phân loại rác thải tại nguồn”, “nói không với túi nylon”, “sản xuất phân compost tại hộ gia đình”, “nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường”, “giáo dục môi trường trong học đường”, “Hội Phụ nữ thu gom phế liệu”, “Hội Nông dân với rác thải đồng ruộng”... nhằm nâng cao hơn nữa ý thức của cộng đồng trong công tác quản lý chất thải rắn.
“Với tốc độ gia tăng khách như hiện nay, thời gian tới Hội An phải thu gom gần 100.000 tấn/năm trong khi công suất hoạt động của Nhà máy xử lý rác thải Cẩm Hà chỉ khoảng 55 tấn ngày/ đêm như hiện tại là đáng lo ngại. Để xử lý lượng rác tồn, ngoài một số được chở vô huyện Núi Thành, còn lại chủ yếu đổ ra bãi tại nhà máy. Do đó, thành phố cần nhanh chóng xúc tiến kêu gọi đầu tư, tìm ra các giải pháp, xây mới các nhà máy xử lý rác thải thời gian tới”, ông Hùng đề xuất.