Nợ công tăng nhanh hơn GDP
Theo báo cáo của LHQ, nợ công trong nước và nợ nước ngoài trên toàn thế giới đã tăng hơn 5 lần, trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng 3 lần tính từ năm 2002. Báo cáo được công bố trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) từ ngày 14 đến 18-7.
Các khoản nợ của các nước đang phát triển chiếm 30% nợ công toàn cầu. Trong đó, 70% là các khoản nợ của Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. 59 quốc gia đang phát triển có tỷ lệ nợ công/GDP trên 60%, mức nợ công cao.
Báo cáo nêu rõ nợ công đã trở thành gánh nặng đáng kể cho các nước đang phát triển do thiếu tiếp cận tài chính, lãi suất tăng, đồng nội tệ mất giá và tăng trưởng kinh tế chậm chạp. Hơn nữa, cấu trúc tài chính quốc tế khiến việc tiếp cận tài chính của các nước đang phát triển vừa không phù hợp, vừa đắt đỏ, dẫn chứng các khoản thanh toán lãi suất nợ công ròng đã vượt 10% doanh thu của 50 nền kinh tế mới nổi toàn cầu.
Tại châu Phi, 3,3 tỷ người sống tại các nước ở châu lục phải chi nhiều cho việc trả lãi nợ công trong đầu tư vào giáo dục hoặc y tế. Báo cáo cho rằng các nước đang đứng trước lựa chọn khó khăn giữa trả nợ công hoặc phục vụ người dân.
Các giải pháp
LHQ đề xuất một số biện pháp khắc phục khẩn cấp, bao gồm một “cơ chế xử lý nợ hiệu quả” hỗ trợ tạm dừng thanh toán, thời hạn cho vay dài hơn và lãi suất thấp hơn, dành cho cả các nước thu nhập trung bình dễ bị tổn thương. Báo cáo cũng kêu gọi tăng quy mô của nguồn tài chính dài hạn hợp lý bằng cách thay đổi cách thức hoạt động của các ngân hàng phát triển đa phương, tái thiết kế để các ngân hàng này hỗ trợ phát triển bền vững và tận dụng các nguồn lực tư nhân.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), 70% tổng số nợ ở các nước mới nổi và 85% nợ ở các nước có thu nhập thấp là ngoại tệ. Vì các chính phủ ở các nước đang phát triển chi tiêu bằng nội tệ và vay bằng ngoại tệ, nên cơ cấu này khiến ngân sách công phải đối mặt với sự mất giá lớn của nội tệ với ngoại tệ.
Tới nay, ít nhất 88 quốc gia đã bị mất giá nội tệ so với USD. Vì vậy, Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã thúc đẩy các giải pháp đa phương trong các lĩnh vực xây dựng năng lực, minh bạch nợ và giải quyết, cứu trợ khủng hoảng nợ.
UNCTAD đang hỗ trợ các quốc gia thông qua Chương trình Phân tích tài chính và Quản lý nợ (DMFAS), một trong những sáng kiến hỗ trợ kỹ thuật thành công nhất của tổ chức.
DMFAS cung cấp cho các quốc gia giải pháp quản lý nợ và tạo ra dữ liệu đáng tin cậy để hoạch định chính sách. Kể từ khi thành lập hơn 4 thập kỷ trước, DMFAS đã hỗ trợ 116 tổ chức, chủ yếu là các bộ tài chính và ngân hàng trung ương tại 75 quốc gia. Ngày nay, 61 quốc gia, trong đó gần 3/4 là quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình thấp, sử dụng phần mềm DMFAS để quản lý nợ công hàng ngày.