Từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn TPHCM và cả nước liên tục xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy, trong đó có không ít vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Sau mỗi vụ việc xảy ra, các cấp ngành, chính quyền địa phương cho biết sẽ quyết liệt ngăn chặn, không để tai nạn tiếp diễn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nguy cơ tai nạn vẫn ở mức báo động do vi phạm tràn lan.
Mối nguy hiểm từ chủ và người lái phương tiện
8 tháng đầu năm 2016, cả nước xảy ra gần 100 sự cố, TNGT đường thủy, riêng TPHCM xảy ra 24 vụ. Đáng lưu ý hơn, trong số đó có nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tính riêng 3 vụ là sà lan tông sập cầu Ghềnh (Đồng Nai), chìm tàu du lịch trên sông Hàn (Đà Nẵng) và sà lan tông đổ cầu Rạch Đỉa (TPHCM), hậu quả để lại về kinh tế đã lên đến hàng trăm tỷ đồng, 3 nạn nhân tử vong… Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn này được xác định do chủ tàu, người điều khiển phương tiện không chấp hành đúng các quy định về an toàn đường thủy. Trước thực tế trên, tại TPHCM, lãnh đạo TP chỉ đạo Công an TP và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện triển khai ngay các giải pháp căn cơ, trong đó tập trung xử lý triệt để các trường hợp chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm, các hành vi đe dọa, uy hiếp đến an toàn đường thủy… Yêu cầu là vậy, tuy nhiên trên thực tế vi phạm vẫn diễn ra tràn lan!
Vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh (tỉnh Đồng Nai) xuất phát từ nguyên nhân lái tàu không chấp hành các quy định an toàn giao thông đường thủy
Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, những ngày qua, trên các tuyến đường thủy nội địa như sông Sài Gòn (huyện Củ Chi, quận Bình Thạnh), luồng Soài Rạp (huyện Cần Giờ), sông Cần Giuộc (huyện Bình Chánh), sông Rạch Đỉa (huyện Nhà Bè)… xuất hiện rất nhiều sà lan, tàu công suất lớn chở cát, thùng hàng container quá tải quá khổ, vượt mớn nước quy định. Chiều 1-9, trên sông Rạch Đỉa (huyện Nhà Bè) thủy triều dâng cao, độ tĩnh không (khoảng cách giữa mặt nước và thân cầu) xuống thấp, nhân viên trực cầu Rạch Đỉa liên tục phất cờ cảnh báo nguy hiểm nhưng nhiều lái tàu, sà lan vẫn bất chấp, điều khiển phương tiện ngang qua cầu. Trong nửa giờ quan sát, chúng tôi thấy có hơn chục phương tiện vi phạm. Ông Nguyễn Tiến Tính, nhân viên trực cầu Rạch Đỉa (Công ty TNHH MTV Công trình cầu phà TP), cho biết các vi phạm nói trên diễn ra thường xuyên trên sông Rạch Đỉa nhưng hiếm khi thấy cảnh sát hay thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý.
Ngoài tàu chở hàng, tại 34 bến đò ngang đang hoạt động ở TPHCM cũng tồn tại rất nhiều vi phạm. Điển hình như bến đò An Phú Đông (quận 12), sáng 29-8, đò này chở hàng trăm hành khách qua lại nhưng lái đò và chủ đò không hề nhắc nhở, yêu cầu hành khách mặc áo phao. Nhiều bến đò khác vô tư chở quá số người quy định, không trang bị thiết bị chữa cháy trên đò… Thanh tra Sở GTVT cho biết, 6 tháng đầu năm 2016, đơn vị này phối hợp cùng các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý gần 420 trường hợp vi phạm an toàn giao thông đường thủy, chủ yếu các lỗi: Phương tiện không được kiểm định an toàn định kỳ, không bố trí đủ định biên thuyền viên, tài công không có bằng lái, phương tiện không bố trí thiết bị chữa cháy… Tuy nhiên, theo một cán bộ kiểm tra thuộc Thanh tra Sở GTVT, đây chỉ là con số xử lý trong các đợt kiểm tra chuyên đề, trên thực tế, số trường hợp vi phạm cao hơn gấp nhiều lần.
Còn tình trạng bao che vi phạm
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Diệp, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (C67) Bộ Công an, cho biết nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT đường thủy gần đây là do chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện không chấp hành các quy định về an toàn đường thủy. Để tồn tại nguyên nhân này có nhiều yếu tố liên quan: Do công tác tuyên truyền nhiều nơi còn hình thức, kém hiệu quả; công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, xử lý vi phạm của một số địa phương, ngành chức còn buông lỏng; tình trạng bao che vi phạm còn diễn ra… “Để kéo giảm TNGT đường thủy, theo tôi cần xử lý trách nhiệm nặng đối với các địa phương, đơn vị để tai nạn xảy ra trên địa bàn mình phụ trách”, ông Diệp nói. Ngoài ra, đại diện lãnh đạo C67 cũng kiến nghị, ngay lúc này, các bộ ngành liên quan cần phối hợp với các địa phương, nhất là các tỉnh, thành có nhiều sông rạch lớn, có tuyến hàng hải chạy qua cần tổ chức điều tra cơ bản lại các tuyến giao thông thủy, nhanh chóng khắc phục các tồn tại, bất cập, hư hỏng… vì đây cũng là nguyên nhân phổ biến, gián tiếp gây tai nạn.
Thượng tá Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy (PC68) Công an TPHCM, cho rằng ngoài các yếu tố trên thì còn có nhiều nguyên nhân khác khiến TNGT đường thủy ở TP luôn ở mức cao. Cụ thể: Hạ tầng giao thông nhiều tuyến còn hạn chế, độ tĩnh không cầu thấp, thiếu biển báo ở những khu vực nguy hiểm… Đáng lo ngại nhất là trên các sông Đồng Nai, Sài Gòn hiện có 4 công trình nạo vét, thông luồng tuyến hoạt động. Vì lợi nhuận, các đơn vị nạo vét thường xuyên vi phạm: nạo vét, hút cát lấn rộng ra ngoài hoặc sâu hơn phạm vi cấp phép, làm thay đổi dòng chảy, luồng tuyến, dễ dẫn đến tai nạn cho tàu, sà lan đi qua. Để việc phòng ngừa TNGT đường thủy ở TPHCM hiệu quả, Thượng tá Nguyễn Hữu Thông kiến nghị Sở GTVT TP sớm khắc phục các tồn tại trên, Cảng vụ Đường thủy nội địa cần thắt chặt việc kiểm tra an toàn kỹ thuật trên các tàu trước khi cho xuất bến, xuất cảng. Đối với lực lượng cảnh sát giao thông, đại diện PC68 cho biết, thời gian tới, nhất là trong những tháng cuối năm 2016, đơn vị này sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan tăng cường các đợt kiểm tra chuyên đề trên các sông, rạch…
PHẠM MINH