Báo động nguy cơ sốc sốt xuất huyết

Hiện nay đang mùa mưa, là thời điểm bệnh sốt xuất huyết (SXH) gia tăng. Tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm 2017 đến nay ở TPHCM là 3 trường hợp. 
Trong các ca bệnh đang nằm viện, có nhiều trường hợp bị sốc SXH trong tình trạng rất nặng, nguy kịch đến tính mạng.
Gia tăng số ca bệnh
Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, trong tuần vừa qua số ca SXH ở TPHCM tăng đột biến lên đến 339 ca, tăng 40% so với trung bình 4 tuần trước đó (246 ca). Trong đó có 1 trường hợp tử vong tại quận Bình Tân, nâng tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay trên địa bàn lên 3 trường hợp.
Tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, trung bình mỗi tuần có trên 70 trẻ nhập viện vì SXH. TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi đồng 1 cho biết, hiện số trẻ mắc SXH đang điều trị tại BV là 116 trường hợp, trong đó có khoảng 10 trường hợp bị sốc SXH khá nặng.
Có những trường hợp phải thở máy và đã có 2 trường hợp tử vong do sốc SXH, được chuyển đến từ các địa phương khác khi bệnh diễn tiến đã quá nặng, không thể cứu chữa. 
Báo động nguy cơ sốc sốt xuất huyết ảnh 1
Tại BV Nhi đồng 2, trung bình mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận từ 45 - 50 ca. Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2, hiện BV đang cấp cứu cho 5 trường hợp SXH nặng đang điều trị tại khoa.
Trong đó, có 4 trường hợp đã qua cơn nguy kịch, được cứu sống và chuyển ra bên ngoài phòng nội trú thông thường. Còn lại 1 trường hợp vẫn đang theo dõi đặc biệt tại khu hồi sức cấp cứu.
Trong số hàng chục bệnh nhi nhập viện thì có 10%-15% các bé bị nặng. Tại BV Bệnh nhiệt đới, nơi chuyên sâu về điều trị cho những bệnh nhân mắc SXH là người lớn, trong những ngày qua số lượng nhập viện cũng liên tục gia tăng.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D cho biết, số ca nhập viện vì SXH trong tháng 6 đã tăng từ 30% - 40% so với tháng 5. Con số này cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân, người lớn thường chủ quan hơn, mắc bệnh nhưng không để ý, tự đi mua thuốc uống, không theo dõi sát bệnh nên đa phần nhập viện trễ và thường gặp nhiều biến chứng, sốc, thậm chí tử vong.
Tăng cường các biện pháp phòng chống
Trước tình trạng gia tăng các bệnh nhi nhập viện bị sốc SXH từ các địa phương chuyển đến, BV Nhi đồng 1 đã thành lập 5 đội cơ động để xử lý các trường hợp SXH tại BV và kịp thời hỗ trợ cho các BV tuyến quận, huyện khi có yêu cầu.
TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh cho biết, hiện BV đã chuẩn bị các loại thuốc, dịch truyền, máu, máy thở, máy lọc máu cũng như nhân sự sẵn sàng phục vụ cho công tác điều trị bệnh SXH. Ngoài ra, cũng tăng cường tập huấn cho các bác sĩ, diều dưỡng để điều trị, chăm sóc bệnh nhi bị nặng.
Ngành Y tế dự phòng TP cũng đang ráo riết thực hiện công tác phòng chống, dập dịch. Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, hiện nay biện pháp kiểm soát véc tơ truyền bệnh, kiểm soát muỗi không mang lại hiệu quả cao.
Trong khi đó, những khu đất, bãi đất bỏ hoang, vựa ve chai, công trình xây dựng có nhiều vật chứa nước vô tình xuất hiện, trở thành nguồn lây bệnh cho cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, việc chống dịch bệnh SXH tại các địa phương hiện còn hết sức lơ là.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết, trung tâm đã triển khai mô hình kiểm soát điểm nguy cơ, những điểm có thể phát sinh muỗi, lăng quăng trong cộng đồng.
“Trong thời gian tới, ngành y tế dự phòng sẽ tăng cường phối hợp triển khai trong cộng đồng, địa phương thành lập những đội, tổ phát hiện điểm nguy cơ để phát hiện, xử lý. Đồng thời kiến nghị các địa phương tăng cường xử phạt nghiêm khắc đối với những nơi cố tình không thực hiện theo hướng dẫn trong việc xử lý điểm nguy cơ, trong địa bàn mình quản lý”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nói.
Ngày 1-7, Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, toàn tỉnh xảy ra 997 ca SXH, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Trong đó, các địa phương có số ca mắc bệnh SXH cao là huyện Trần Văn Thời (358 ca), huyện Cái Nước (116 ca), huyện Đầm Dơi (113 ca), TP Cà Mau (113 ca). Bênh cạnh đó, trên địa bàn cũng xảy ra dịch bệnh sốt rét. 

Theo ghi nhận đến thời điểm này đã có 7 ca bệnh sốt rét.  Tại Kiên Giang, tính đến nay toàn tỉnh có khoảng 400 ca SXH (trong đó có khoảng 10% người lớn), chưa có ca tử vong, so với cùng kỳ năm 2016 tăng 12 ca.      
CHÁNH - THUẬN 

Tin cùng chuyên mục