Báo động nạn xâm hại san hô

Theo các nghiên cứu, san hô quyết định 50% việc sinh trưởng của các nguồn lợi thủy sản, ươm giống, sinh nở; đóng góp gần 80% cho ngành du lịch biển. Tuy nhiên, tại khu vực Nam Trung bộ, nhiều vùng vịnh từng ghi dấu những “ngôi nhà” san hô khổng lồ, nay đang dần bị xâm hại, tàn phá nghiêm trọng.

Tàn phá san hô

Cách nay khoảng 2 năm, các rạn san hô Gành Yến (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) gần như còn nguyên vẹn, tuyệt đẹp. Nhưng trở lại vào mùa hè năm 2022 này, khi thủy triều cạn, chúng tôi trông thấy những vùng san hô Gành Yến đều bị đứt gãy, hư hại hàng loạt. Theo ông Võ Thanh Tùng, Trưởng thôn Thanh Thủy (Tổ trưởng Tổ bảo vệ san hô Gành Yến), nguyên nhân các rạn san hô bị xâm hại do tác động triều cường, bão biển, nhưng phần lớn do du khách, người dân hiếu kỳ đổ đến tham quan, giẫm đạp, bẻ gãy, nhiều người còn khai thác đem bán. Ngoài ra, một số người dân địa phương đi lặn nhím biển, lấy rong mơ… tác động vào các rạn san hô làm đứt gãy, vỡ.

Hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản đang tác động đến môi trường, 
sinh trưởng san hô Hòn Yến, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ảnh: NGỌC OAI
Khu vực biển Quy Nhơn (36.000ha mặt nước) có khoảng 152ha rạn san hô phân bố ven bờ và các đảo Bãi Dứa, Hòn Khô, Hòn Sẹo, Hòn Nhàn, Nhơn Châu. Tuy nhiên, hiện các rạn san hô đang bị xâm hại nhiều bởi tác động của triều cường, bão biển và các hoạt động đánh bắt cá, khai thác du lịch, thủy sản… Đặc biệt, một số người dân phản ánh, tình trạng các tàu cá, đặc biệt tàu giã cào ở nơi khác lén lút đánh bắt kiểu cào quét đáy biển, đã làm hại đến nhiều vùng san hô. “Đáng ngại nhất là các tàu giã cào này sử dụng cả mìn để đánh cá nên vô tình tàn sát cả rạn san hô”, ông Ng.H.Đ. (người dân xã bán đảo Nhơn Lý) nói.


Mới đây nhất, hình ảnh một số du khách, người dân mặc nhiên giẫm đạp lên các rạn san hô tại danh thắng quốc gia Hòn Yến (tỉnh Phú Yên) khiến cộng đồng mạng, giới khoa học rất bất bình. Không chỉ du khách, người dân bản địa cũng đối xử với san hô Hòn Yến rất thô bạo, khi cho thuyền bè, ngư lưới cụ cọ xát làm hư hại san hô. 

Phải hành động bảo vệ quyết liệt

Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, cho biết, vừa qua, Tổng cục Thủy sản đã thành lập đoàn khảo sát, đánh giá thực trạng các rạn san hô Gành Yến và đã tính đến đề án thành lập khu bảo tồn san hô tại đây… Song thực tế trước mắt, công tác bảo vệ san hô Gành Yến đang được giao về cho Tổ bảo vệ san hô Gành Yến, nhưng do kinh phí eo hẹp nên không duy trì được thường xuyên.

Đề cập đến giải pháp bảo vệ căn cơ, ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn nói, gần như không có giải pháp bảo tồn, phục hồi, chỉ tăng cường giám sát, hạn chế tối đa các yếu tố tác động, xâm hại. “Ở tầm địa phương rất khó để đưa ra giải pháp hữu hiệu, vì hầu hết các rạn san hô ở Quy Nhơn đều nằm sâu dưới đáy biển”, ông Nam nêu.

Nhắc đến khu vực san hô Hòn Yến, ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) cho rằng, bất cập lớn nhất là nhu cầu du khách thì rất lớn, song hạ tầng du lịch ở Hòn Yến đang thiếu thốn. Hầu như các đoàn du khách, người dân đến Hòn Yến không có nhiều lựa chọn trải nghiệm để giảm thiểu tác động, xâm hại san hô… “Tới đây, huyện sẽ quy hoạch để bóc tách, di dời lồng bè nuôi trồng hải sản phía Nam Hòn Yến nhằm tránh tác động khu bảo tồn san hô. Ngoài ra, hiện ở cộng đồng Hòn Yến đang lập ra tổ hợp tác cộng đồng bảo vệ san hô, nguồn lợi thủy sản, tương lai sẽ thành lập hợp tác xã kiểu mới để quản lý khu vực biển này”, ông Khoa kỳ vọng.

Theo PGS-TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học biển Việt Nam, không chỉ các rạn san hô Nam Trung bộ mà hầu hết các rạn san hô ven biển trong cả nước đều bị xâm hại từng ngày, nguyên nhân do quản trị biển không tốt, tất cả chạy theo lợi ích kinh tế quá mức. “Muốn có giải pháp căn cơ thì phải có những cuộc khảo sát tầm vĩ mô, hết sức nghiêm túc, nhằm đánh giá thực tiễn, nguyên nhân vấn đề. Điều này cần có hội đồng khoa học chuyên sâu, với sự tham gia của cộng đồng khoa học trong và ngoài nước để có những tham vấn cụ thể cho các địa phương”, PGS-TSKH Nguyễn Tác An đề xuất.

Sớm bảo tồn san hô Hòn Sẹo
Theo kết quả quan trắc mới đây của ngành chức năng Bình Định, tại khu vực biển Hòn Sẹo (thuộc vịnh biển Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) có 2 bãi san hô (khoảng 15ha) đang phát triển, chưa được đưa vào quy hoạch bảo vệ; trong đó có 10ha đang bị tác động, chết nhiều…

Tin cùng chuyên mục