Không chỉ mua bán phụ nữ, trẻ em mà đã xuất hiện cả việc mua bán nam giới, mua bán bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê hoặc đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Nghiêm trọng hơn, tội phạm mua bán người đang có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn tinh vi hơn, gây ra nhiều hệ lụy đối với nạn nhân, gia đình và xã hội, ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh trật tự.
Phụ nữ và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa thường trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người vì nhẹ dạ và cuộc sống khó khăn (ảnh mang tính minh họa)
Địa ngục trần gian
Trong căn nhà gỗ mái tranh thấp lè tè, chẳng có thứ đồ đạc nào giá trị, bà Thào Thị Sảng (ở Mèo Vạc, Hà Giang) buồn bã cho biết, chẳng biết hai đứa nhà tôi chúng nó sang bên kia Trung Quốc để làm thêm cho người ta thế nào mà đã hơn 3 tháng nay chưa thấy về nhà. Tôi có hỏi mấy người ở trong bản cùng đi thì được biết, hai đưa nó được người ta thuê sang bên đó chặt mía nhưng được ít ngày thì bị đưa đi đâu mất không rõ. “Chỉ sợ chúng nó bị lừa bán làm vợ người ta” - bà Sảng lo lắng.
Là một trong số nạn nhân bị bán qua biên giới may mắn trốn thoát trở về với gia đình, em Triệu Thị V. (19 tuổi, ở Cao Lộc, Lạng Sơn) vẫn chưa hết bàng hoàng, hoảng sợ khi chia sẻ với chúng tôi. Học xong cấp 3, ở nhà em chẳng có việc gì làm. Sau đó, em được một người bạn rủ sang bên Bằng Tường (Trung Quốc) bán hàng quần áo cho một chủ hiệu để có thêm tiền giúp đỡ mẹ. Thế nhưng khi sang bên đó mới chỉ có bán hàng được vài hôm, em đã bị người ta đưa tới bán cho một nhà hàng kiêm quán karaoke bắt làm nhân viên phục vụ nhưng thực ra là bắt em phải “tiếp khách”. Có những ngày, chủ nhà hàng bắt em phải phục vụ tới 11 - 12 người đàn ông, nếu em từ chối liền bị chúng đánh đập không thương tiếc. Rất may sau hơn 2 tháng, em gặp được một người quen ở gần nhà giúp em trốn thoát được về, nếu không chẳng biết giờ số phận ra sao.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều nạn nhân của bọn buôn người ở khu vực các tỉnh biên giới phía Bắc mà chúng tôi có dịp tiếp xúc. Phần lớn họ đều là những người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa, không có việc làm ổn định, thu nhập thấp, nhận thức còn hạn chế nên họ rất dễ bị dụ dỗ, rủ rê sang bên kia biên giới để làm thêm kiếm tiền nhưng thực chất là bị lừa bán vào các ổ mại dâm, hoặc bị bán phải làm vợ cho một gia đình nhiều thế hệ. Theo Bộ Công an, tại tuyến biên giới phía Bắc hiện nay tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ do đây là tuyến đường biên dài với nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối tắt, địa hình hiểm trở, gây ra không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm soát người qua lại biên giới. Trong số các nạn nhân của tội phạm mua bán người, chiếm tới hơn 70% số nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em bị đưa sang Trung Quốc qua khu vực biên giới các tỉnh như: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Trong đó chỉ riêng trên địa bàn Lào Cai trong 5 năm vừa qua, Công an Lào Cai đã điều tra khám phá tới 148 vụ mua bán người, trong đó có 92 ổ nhóm với 241 đối tượng tham gia, đồng thời giải cứu và tiếp nhận 202 nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc.
Nóng bỏng và tinh vi
Ngược trở vào khu vực phía Nam, khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia, tình hình tội phạm buôn bán người cũng rất phức tạp. Cùng với đường biên giới dài tới hơn 1.100km đi qua 101 xã của 10 tỉnh thì hoạt động buôn bán, giao lưu, đi lại của cư dân hai bên khu vực biên giới diễn ra rất nhộn nhịp, đây cũng là điều kiện để tội phạm buôn bán người hoành hành. Thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2011 tới hết năm 2015, tại khu vực các tỉnh phía Nam đã xảy ra trên 133 vụ mua bán người, với gần 400 đối tượng phạm tội, lừa bán trên 560 nạn nhân. Theo Đại tá Lê Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), thủ đoạn phổ biến của các đối tượng mua bán người là lợi dụng đường biên giới mở, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, việc cấp giấy thông hành qua lại biên giới thuận tiện nên một số đối tượng người Việt đã cấu kết với các chủ nhà hàng ở Malaysia, Singapore hình thành những đường dây đưa người Việt Nam trái phép qua Campuchia bằng đường bộ, sau đó sang Thái Lan rồi tiếp đến là Malaysia, Singapore. Khi tới các nước này, nhiều phụ nữ, trẻ em bị bắt làm gái mại dâm, cưỡng bức lao động hoặc ép làm vợ bất hợp pháp. Nếu những nạn nhân này muốn về nước sẽ bị các đối tượng bắt ép họ, hoặc người thân ở Việt Nam phải bồi thường số tiền lớn hàng trăm triệu đồng.
Một đối tượng mua bán trẻ em bị bắt giữ
|
Báo động hơn, theo Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, dù số vụ mua bán người bị phát hiện và xử lý tăng cao nhưng tình hình hoạt động tội phạm mua bán người ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp và tiếp tục xu hướng tăng. Trong giai đoạn 2011 - 2015, cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá trên 2.200 vụ mua bán người, bắt hơn 3.300 đối tượng; tổ chức giải cứu, tiếp nhận gần 4.500 nạn nhân của tội phạm mua bán người. Tính trung bình, mỗi năm cả nước có khoảng 500 vụ mua bán người với trên 1.000 nạn nhân. Còn thống kê mới nhất của Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước đã xảy ra 174 vụ mua bán người với 232 đối tượng, lừa bán 351 nạn nhân. Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa cũng chỉ rõ, mua bán người gia tăng và ngày càng tinh vi do đây là hoạt động mang lại siêu lợi nhuận, cùng với đó là tình trạng mất cân bằng giới tính, khó khăn về kinh tế, thiếu công ăn việc làm và sự nhẹ dạ, cả tin của không ít người dân. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội như Zalo và Facebook cũng khiến không ít cô gái trẻ trở thành nạn nhân của loại hình tội phạm chống lại loài người này.
Nghiêm trọng hơn, cơ quan công an cũng phát hiện không ít vụ mua bán trẻ sơ sinh, mua bán bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê hoặc đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Trong số này, man rợ nhất là việc mua bán người để lấy nội tạng mặc dù số vụ không nhiều nhưng cơ quan công an từng phát hiện và bắt giữ 7 đối tượng ở Cần Thơ đã lừa 75 thanh niên đưa sang Trung Quốc bán thận.
KHÁNH NGUYỄN