Trong báo cáo đầu tiên về vấn đề này kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền vào tháng 8-2021, UNODC nêu rõ, trong năm nay, diện tích trồng cây thuốc phiện tại Afghanistan đã tăng 32% lên 233.000ha so với năm ngoái.
Như vậy, năm 2022 trở thành năm có diện tích trồng cây thuốc phiện lớn thứ 3 (sau năm 2018 và 2019) kể từ khi cơ quan chống ma túy của Liên hiệp quốc bắt đầu giám sát vấn đề này vào năm 1994.
Thu nhập của nông dân Afghanistan từ việc bán thuốc phiện tăng hơn gấp 3 lần, từ 425 triệu USD vào năm 2021 lên 1,4 tỷ USD vào năm 2022.
Trong 2 thập niên qua, Mỹ và các lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nỗ lực hạn chế việc trồng thuốc phiện tại Afghanistan, khuyến khích người nông dân tại đây trồng các loại cây thay thế như lúa mì hoặc nghệ tây.