Ngày 12-11, tại phiên thảo luận Hội nghị Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc với Chủ đề Nâng cao chất lượng nội dung để duy trì vị thế của báo Đảng, nhiều đại biểu nhìn nhận rằng, chỉ có nâng cao chất lượng nội dung thì các cơ quan báo Đảng mới duy trì được vị thế là công cụ chủ lực của Đảng về công tác tư tưởng, là kênh thông tin chính thống và là cầu nối của Đảng với dân, nhất là trước những thách thức cạnh tranh gay gắt của truyền thông đa nền tảng.
Tại hội nghị, theo nhà báo Phạm Trường, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, trong bối cảnh mới, báo chí nói chung, báo Đảng nói riêng đang phải đối mặt với bài toàn khó để có thể giữ chân bạn đọc, đồng thời làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình.
Vì vậy, nhà báo Phạm Trường cũng thẳng thắn đưa ra những hạn chế của các báo Đảng hiện nay, như: Thông tin trên báo Đảng nói chung còn nặng về tính chính trị, thông tin hội họp; hình thức thể hiện đơn điệu, khô khan; khó khăn trong mở rộng đối tượng bạn đọc trước sự cạnh tranh của mạng xã hội. Ngoài ra, các báo cũng gặp khó khăn về nguồn nhân lực ở tất cả các vị trí… Trước hạn chế đó, Báo Đảng cần phải đi đầu trong đổi mới, nâng cao chất lượng.
Để thực hiện điều này, theo nhà báo Phạm Trường, trước hết, các tờ báo Đảng cần tiếp tục bám sát tôn chỉ mục đích, xác định giá trị cốt lõi là trở thành kênh thông tin xác thực, trụ cột, kịp thởi, đáng tin cậy… không chỉ của cán bộ đảng viên mà của rộng rãi bạn đọc.
Các báo cần tăng cường tính Đảng, tính phản biện, phát hiện và đấu tranh kịp thời với những biểu hiện sai trái, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng tiêu cực trong cán bộ đảng viên cũng như trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, các tòa soạn cũng phải chú trọng phát hiện, lan tỏa những thông tin tích cực, gương người tốt việc tốt, truyền cảm hứng, hướng người đọc đến những giá trị chân, thiện, mỹ...
Các báo Đảng cần đầu tư mở rộng, đa dạng hóa các chuyên trang chuyên mục liên quan đến đời sống, việc làm, giải trí, tâm tư tình cảm… của bạn đọc bằng nhiều hình thức đa phương tiện (trên cả báo giấy, báo điện tử); cần đẩy mạnh thực hiện chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái số của cơ quan báo Đảng, trong đó có việc tận dụng tối đa ưu thế của các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng như những thành tựu của khoa học công nghệ vào hoạt động. Đồng thời, có kế hoạch, lộ trình tuyển chọn, đào tạo, xây dựng đội ngũ người làm báo hiện đại “chuẩn, chất”, đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ ở tất cả các vị trí công việc. Các cơ quan báo Đảng cũng cần có kế hoạch, chiến lược để tiếp cận và giữ chân thế hệ bạn đọc mới, các lớp độc giả kế cận (trẻ).
Để thực hiện các mục tiêu trên, báo Đảng cần sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan chủ quản cũng như các cơ quan hữu quan để giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy, tài chính, phát triển nguồn nhân lực; đặc biệt hỗ trợ các báo trong thực hiện chuyển đổi số.
Đồng ý kiến với nhà báo Phạm Trường, nhà báo Nguyễn Đức Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Đà Nẵng, Tổng Biên tập báo Đà Nẵng cho hay, Báo Đảng từ trước đến nay nhận được lợi thế từ nguồn thông tin chính thống, sự định hướng tuyên truyền từ Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo các địa phương và sự phối hợp hỗ trợ của các sở, ngành. Chính lợi thế này đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho báo thực hiện các tác phẩm báo chí nhanh nhạy, chính xác, có tính định hướng, lan tỏa kịp thời đến với cán bộ, nhân dân.
Để phát huy thế mạnh, nhà báo Nguyễn Đức Nam đề nghị, cần đánh giá lại thực tiễn hoạt động của Báo Đảng để chỉnh sửa, thay đổi, bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp; tiếp tục có kế hoạch dài hạn để đào tạo đội ngũ vững vàng về quan điểm chính trị, đạo đức lối sống và giỏi về chuyên môn nghiệp vụ báo chí để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tổ chức tốt công tác tiếp cận thông tin để một mặt nâng cao tính cạnh tranh về sự nhanh nhạy thông tin, mặt khác tổ chức các tuyến bài viết có chiều sâu, phân tích, luận giải, lan tỏa mạnh mẽ các vấn đề lớn của địa phương mà dư luận đang quan tâm.
Đặc biệt, nguồn tin trên báo Đảng phải chính xác, có chọn lọc và có định hướng. Thông tin trên mạng xã hội tạo ra những dòng chảy dư luận rất phức tạp, thì thông tin trên báo Đảng phải bảo đảm tính xác thực. Người làm báo Đảng phải đi trên đôi chân: Pháp luật và Đạo đức.
Đề cập xu hướng chuyển đổi số, nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử - Báo Nhân Dân, thời gian vừa qua, đơn vị đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ trên tất cả các loại hình: báo in, truyền hình, báo điện tử và mạng xã hội.
Với báo in, Báo Nhân Dân đã tăng thông tin thời sự dân sinh; tăng tính hấp dẫn, cụ thể trong các chủ đề xây dựng đảng, chính sách; đẩy mạnh nội dung chuyên sâu, chuyên đề; nâng cao chất lượng ảnh; giảm số lượng tin vắn. Cách thức trình bày cũng được đổi mới: Thiết kế chia khối mạch lạc, nổi bật tâm điểm… Đối với truyền hình, các chương trình chính luận đã được đầu tư sâu, trong đó nổi bật có các nội dung về xây dựng Đảng trên sóng.
Đặc biệt, Truyền hình Nhân Dân đã ra mắt kênh Youtube thứ hai với tên “Đảng với Dân”. Truyền hình Nhân Dân cũng đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào sản xuất chương trình với hệ thống trường quay ảo hiện đại; áp dụng đồ họa mô phỏng vào các chương trình phát sóng hàng ngày.
Ngoài ra, báo Nhân Dân điện tử cũng áp dụng các công cụ đo lường như phối hợp đối tác Chartbeat xây dựng công cụ đánh giá độc giả, thói quen, nhu cầu bạn đọc; qua đó sắp xếp tin tức phù hợp theo nhu cầu của bạn đọc.
Khẳng định phóng sự điều tra là “trọng pháo” của báo chí, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Phóng viên Báo Dân Việt/Nông thôn Ngày nay phân tích những thế mạnh của thể loại đặc biệt này trong việc theo đuổi sự thật, nâng cao vai trò của báo chí trong phản biện xã hội.
Theo ông Hoàng, để nâng cao chất lượng báo chí điều tra trong báo chí nói chung, báo Đảng nói riêng, trước hết, người làm điều tra cần có bề dày kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp liên tục được trau dồi qua thời gian. Ngoài ra, người viết cũng cần táo bạo, quyết liệt, quyết liệt truy vấn đề tới tận cùng, dám đối mặt. Đặc biệt, người cầm bút cũng cần phải tự biết cách bảo vệ mình trước các nguy cơ, thủ đoạn của người bị điều tra, tố cáo.
“Đạo đức của người làm báo điều tra, còn là vấn đề đi đến cùng sự việc, tạo hiệu ứng xã hội tích cực cho vấn đề mà báo chí đặt ra. Nói khác đi, “làm gì đó tích cực cho xã hội” là thước đo quan trọng bậc nhất cho phẩm cách của một ngòi bút điều tra nói riêng; và của tòa báo, nền báo chí nói chung”, nhà báo Hoàng nhìn nhận.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên thảo luận, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, báo chí cách mạng đều hướng đến mục tiêu cao cả vừa bảo đảm định hướng tuyên truyền, vừa có thế trận, lực lượng để phục vụ người đọc, nhất là tính nhân văn trong báo chí.
Theo đó, báo chí phải đi sâu, đi sát các lĩnh vực, đặt quan điểm vì lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu trong tiêu chí hoạt động, trên cơ sở đó triển khai đến người đọc các đề tài báo chí cho phù hợp.
“Cần xác định viết cho ai, để làm gì, từ đó xác định cách viết như thế nào cho phù hợp từng đối tượng, cách viết cũng cần ngắn gọn, gần gũi, dễ hiểu”, đồng chí Nghĩa nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh, nghề làm báo Đảng vừa phải hướng đến đường lối, chủ trương của Đảng, vừa phải hướng đến lòng dân.
Đồng chí đề nghị các cơ quan báo chí cần tiếp tục xây dựng lực lượng báo chí tinh nhuệ, rà soát chất lượng đào tạo báo chí, cũng như quy hoạch sử dụng, bố trí hợp lý nguồn nhân lực này trong thế trận báo chí nước nhà hướng đến hội nhập hiện đại.
Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh báo chí phải quyết tâm, kiên quyết đấu tranh với những cái xấu, giữ gìn sự trong sáng, không để ngòi bút bị bẻ gãy, đồng thời phải quan tâm đến sự hài lòng của nhân dân.