Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này tập trung sửa đổi về ba nội dung: quy định phù hợp hơn về thời điểm, trình tự, thủ tục, điều kiện được đặc xá; bổ sung Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện là cơ quan có trách nhiệm thực hiện công tác đặc xá; bổ sung trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao trong thực hiện công tác đặc xá…
Phát biểu thảo luận tại hội trường, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá “thời gian vừa qua đặc xá có vẻ làm hơi quá”, khi trong 10 năm có 7 đợt đặc xá và trung bình mỗi đợt khoảng 10.000 người.
Nhấn mạnh sự khác nhau giữa đặc xá với tha tù trước thời hạn được quy định ở Bộ luật Hình sự, Chánh án TANDTC cho rằng dự thảo luật cần làm rõ sự khác biệt này.
“Thẩm quyền đặc xá là của Chủ tịch nước, còn tha tù trước thời hạn là Chánh án các cấp. Điểm khác cơ bản là người được tha tù trước thời hạn khi ra ngoài có vi phạm phải quay lại tù tiếp tục chấp hành phần còn lại của bản án. Còn đặc xá tha là tha luôn” – ông Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh. Theo ông, việc tha tù trước thời hạn thể hiện chính sách nhân đạo, nhưng cũng nghiêm minh, gắn trách nhiệm của cơ quan thi hành án và địa phương trong theo dõi người được tha tù.
Cũng trên quan điểm nhân đạo nhưng đảm bảo nghiêm minh, ĐB Nguyễn Hữu Chính (TP Hà Nội) bổ sung thêm, quyền lợi phải đi kèm với nghĩa vụ. “Thực tế có trường hợp người được đặc xá tái vi phạm pháp luật, tái phạm tội. Vì vậy, dự thảo Luật nên quy định thời gian thử thách đối với người được đặc xá theo hướng, tăng cường sự quản lý, theo dõi, giám sát của nhà nước đối với người được đặc xá. Thời gian thử thách đối với người đặc đặc xá bằng thời gian chấp hành phạt tù còn lại”, ĐB Nguyễn Hữu Chính phát biểu.
Về chính sách tái hòa nhập cộng đồng sau khi đặc xá, ĐBQH Hoàng Văn Liên (Long An) cho biết, theo báo cáo của công an các đơn vị, địa phương, trong tổng số hơn 87.000 người được đặc xá, đa số đã về đúng địa chỉ cư trú và đều được công an địa phương hướng dẫn, đăng ký cư trú, cấp giấy tờ tùy thân. Trong đó, gần 50.000 người được đặc xá đã có việc làm và thu nhập ổn định. Song vẫn còn có tỷ lệ người có hành vi vi phạm pháp luật, tái phạm, với 1.007 người, chiếm tỉ lệ 1,16%. ĐB Hoàng Văn Liên cho rằng, người đặc xá chưa thực sự tái hòa nhập cộng động là do còn thiếu sự quan tâm của cộng đồng. Do vậy, dự thảo Luật nên quy định chính sách bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá; quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và UBND các cấp với đối tượng đặc xá. Nhà nước nên có ngân sách hỗ trợ dạy nghề cho người đặc xá, bảo đảm người đặc xá được phát triển tốt nhất.