Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam lao động ở Campuchia
SGGPO
Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, các địa phương trong nước và phía Campuchia để triển khai các biện pháp tăng cường công tác lãnh sự, bảo hộ công dân tại Campuchia, đưa về nước những công dân bị lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp.
Chiều 25-8, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi phóng viên về công tác bảo hộ công dân đối với tình trạng người lao động Việt Nam bị lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp tại Campuchia, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
"Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm đến vấn đề này. Ngay sau khi có thông tin các vụ việc, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương giáp biên giới với Campuchia và phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại để tiếp nhận thông tin, xác minh, triển khai nhiều biện pháp bảo hộ công dân, kịp thời hỗ trợ công dân gặp khó khăn, hoạn nạn, vừa qua đã cứu thoát và đưa khoảng hơn 500 công dân về nước an toàn và hỗ trợ thủ tục cho hàng ngàn công dân khác.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Công an cũng đã triệt phá nhiều ổ nhóm, bắt giữ nhiều đối tượng đưa người đi lao động trái phép tại Campuchia và phát nhiều cảnh báo liên quan đến vấn đề này.
Trong quá trình triển khai công tác bảo hộ công dân, các cơ quan đại diện Việt Nam cũng gặp một số vướng mắc. Trước hết, việc tiếp cận, hỗ trợ giải cứu cần sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng sở tại. Nhiều người lao động không có giấy tờ nhân thân, không có giấy tờ xuất nhập cảnh do vượt biên trái phép nên mất nhiều thời gian xác minh thông tin nhân thân cũng như gây ra nhiều khó khăn trở ngại cho quá trình tiếp nhận bàn giao.
Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã rất nỗ lực, chủ động thu xếp nhiều cuộc làm việc, tiếp xúc và thường xuyên giữ liên lạc với phía Campuchia để giải quyết việc này.
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, các địa phương trong nước và phía Campuchia để triển khai các biện pháp tăng cường công tác lãnh sự, bảo hộ công dân tại Campuchia, đưa về nước những công dân bị lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam. Các địa phương cũng tăng cường việc giám sát, cảnh báo người dân địa phương khi đi lao động ở nước ngoài".
* Trả lời câu hỏi về công tác bảo hộ công dân trong vụ việc một tàu cá của Quảng Nam gồm 42 ngư dân bị cảnh sát biển của Malaysia bắt giữ, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng thông tin:
"Theo các cơ quan chức năng và Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, vụ việc xảy ra vào ngày 11-6-2022, tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNa 95005 TS cùng 42 ngư dân đã bị lực lượng chức năng Malaysia ngăn chặn, bắt giữ với cáo buộc vi phạm Luật Thủy sản của nước này.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia liên lạc với phía Malaysia để xác minh và đề nghị hỗ trợ tàu cá, ngư dân Việt Nam, đồng thời liên lạc với các ngư dân bị bắt giữ để tìm hiểu thông tin; thăm hỏi và động viên các ngư dân.
Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Malaysia về việc này; đề nghị phía Malaysia đối xử nhân đạo với các ngư dân, sớm xử lý vụ việc phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước và tạo điều kiện cho các ngư dân sớm được trả tự do, về nước.
Ngày 14-7 vừa qua, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, chủ tàu QNa 95005 TS đã sang thăm các ngư dân và thực hiện các thủ tục đưa 5 ngư dân Việt Nam là các công dân tuổi vị thành niên, người có bệnh nền và được Malaysia cho về nước.
Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia sẽ tiếp tục theo dõi sát vụ việc, giữ liên lạc thường xuyên với ngư dân cũng như giữ liên hệ với các cơ quan chức năng của Malaysia, triển khai các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam".
* Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trang Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) dùng bản đồ có "đường lưỡi bò", Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh:
“Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ cái gọi là đường 9 đoạn, cũng như các yêu sách biển trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Việt Nam cho rằng mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá và đăng tải những nội dung, hình ảnh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông đã được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982 là vô giá trị.
Việt Nam yêu cầu các quốc gia, các tổ chức tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các vùng biển liên quan ở Biển Đông, gỡ bỏ và sửa đổi những nội dung không phù hợp đó. Đại diện phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã trao đổi với đại diện WMO về vụ việc này".
Ngày 23-8 vừa qua, WMO, một cơ quan chuyên môn thuộc Liên hiệp quốc có trụ sở tại Thụy Sĩ đã đăng bài trên Facebook về khí hậu Trung Quốc, WMO đã sử dụng bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp, bao gồm quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa của Việt Nam.