Trong đó, nhiều câu hỏi liên quan đến việc tính trợ cấp thất nghiệp, trả tiền lương làm thêm giờ của người lao động… đã được DN đặt ra cho lãnh đạo các sở ngành, cơ quan chuyên trách.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP, căn cứ vào Điều 48 và 49 Bộ luật Lao động quy định về trợ cấp thôi việc, người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc trả 1 tháng lương. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.
Bên cạnh đó, quy định tại Nghị định số 05/2015/NĐ-CP về trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cũng nêu rõ, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ 1 tháng đến dưới 6 tháng được tính 1/2 năm; từ đủ 6 tháng trở lên được tính bằng 1 năm làm việc.
Đối với trường hợp người lao động có thời gian làm việc thực tế đủ 12 tháng trở lên mất việc làm nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc ít hơn 18 tháng thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc cho người lao động ít nhất bằng 2 tháng tiền lương.
Trường hợp liên quan đến bố trí nghỉ bù cho người lao động khi làm thêm giờ, căn cứ vào các quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động, Khoản 3 Điều 4 Nghị định 45/2013/NĐ-CP, trường hợp công ty không bố trí nghỉ bù thì phải trả tiền lương làm thêm giờ (Điều 97 Bộ luật Lao động) cho người lao động.
Đối với trường hợp công ty bố trí nghỉ bù thì phải thanh toán phần chênh lệch giữa tiền lương làm thêm giờ và tiền lương cho thời gian mà DN đã bố trí nghỉ bù.