Kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10-12-1948 - 10-12-2024):

Bảo đảm quyền con người trong kỷ nguyên mới

Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong gần 40 năm đổi mới, tích lũy đủ thế và lực để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội cho người dân; mọi người đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc

Nỗ lực bảo vệ, thúc đẩy quyền con người

Ngày 10-12-1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Ngày này cũng đã trở thành một dấu mốc lịch sử hết sức quan trọng khi được Liên hợp quốc lựa chọn, tôn vinh là Ngày Nhân quyền thế giới.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã không ngừng cố gắng giành và giữ vững nền độc lập dân tộc; đấu tranh với mọi sự chống phá của các thế lực thù địch. Hơn ai hết, chúng ta trân trọng, thấu hiểu được sự cần thiết và giá trị chân chính của quyền con người.

Trong “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”.

J3a.jpg
Gia đình công nhân lao động trong niềm vui dự chương trình “Tết sum vầy” do tổ chức Công đoàn thành phố tổ chức năm 2024. Ảnh: HỒNG HẢI

Về mặt pháp lý, quyền con người đã được bổ sung, ngày càng hoàn thiện trong Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại Hiến pháp 2013, chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được dành riêng một chương với 36/120 điều.

Thực tế, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong gần 40 năm đổi mới, tích lũy đủ thế và lực để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội cho người dân; mọi người đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Các quyền của người lao động được thực hiện.

Luật Lao động 2019 đã mở rộng thêm đối tượng lao động không có hợp đồng, bổ sung nguyên tắc không phân biệt giới tính và phòng, chống quấy rối tình dục nơi làm việc, cho phép người lao động và người sử dụng lao động tự quyết định mức lương, điều kiện làm việc thông qua thương lượng, thỏa thuận…

Trong từng giai đoạn, Nhà nước đều xây dựng, ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hệ thống pháp lý liên quan và tích cực triển khai công tác giảm nghèo. Nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội cũng được Nhà nước đặc biệt quan tâm, chú trọng đảm bảo các quyền của họ.

Sự quan tâm này được thể hiện qua quan điểm của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật, từ Hiến pháp cho đến các đạo luật, bộ luật như Luật Người cao tuổi, Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Người khuyết tật, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…

Với tất cả những chính sách, việc làm đã nêu, Việt Nam đã hoàn thành các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu về giảm nghèo… Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93% (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%); cuối năm 2023, đã có thêm 9 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn.

Vị thế trên trường quốc tế ngày càng nâng cao

Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn hầu hết các điều ước quốc tế về quyền con người và đang triển khai nội luật hóa mạnh mẽ. Chúng ta cũng luôn nghiêm túc tham gia Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát của Liên hợp quốc về quyền con người (UPR), thực hiện đầy đủ các khuyến nghị đã chấp thuận.

Năm 2024, Báo cáo Quốc gia theo UPR chu kỳ IV của Việt Nam đã được nhiều quốc gia ghi nhận, đánh giá cao. Đây là lần đầu tiên Việt Nam quyết định chấp thuận 271 trên tổng số 320 khuyến nghị do 133 nước đưa ra, với tỷ lệ 84,7% (tỷ lệ cao nhất trong 4 chu kỳ), khẳng định quyết tâm thúc đẩy quyền con người của chúng ta.

Việt Nam là nước dành tỷ lệ chi ngân sách cho phúc lợi xã hội cao trong các nước ASEAN. Gần như 100% người dân trong độ tuổi đều biết đọc, biết viết. Mức bao phủ của bảo hiểm y tế rộng khắp. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Chỉ số hạnh phúc tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên vị trí 65 trong bảng xếp hạng toàn cầu. Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2022 của Việt Nam đạt 0.726, đứng thứ 107/196 quốc gia, thuộc nhóm phát triển con người cao, đạt tiến bộ ổn định trên tất cả khía cạnh của HDI...

Những cam kết về quyền con người và quyết tâm hiện thực hóa của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế nhận rõ. Vị thế của chúng ta trên trường quốc tế ngày càng nâng cao. Nước ta lần thứ hai được bầu và trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, với số phiếu cao nhất trong 14 nước thành viên. Trên cương vị này, chúng ta cũng đã hoạt động rất sôi nổi, có trách nhiệm và đã có tới 6 sáng kiến nổi bật trong 3 kỳ họp thường kỳ (52, 53, 54).

Lẽ dĩ nhiên, trong quá trình đổi mới, Việt Nam cũng còn một số hạn chế và lực cản nhất định. Các thế lực thù địch, phản tiến bộ vẫn không ngừng bới móc khuyết điểm, xuyên tạc sự thật, vu cáo chúng ta vi phạm tự do, dân chủ và quyền con người.

Dù vậy, trước nỗ lực và thành tựu rõ ràng mà Việt Nam đã đạt được, mọi sự xuyên tạc của họ chỉ thể hiện sự sai trái, lạc lõng. Lẽ phải luôn giành phần thắng và không một thế lực nào có thể ngăn cản bước phát triển của đất nước, dân tộc ta.

Tin cùng chuyên mục