Bảo đảm nguồn cung xăng dầu, sẵn sàng phương án cung ứng, điều tiết nguồn điện

Bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, sẵn sàng phương án cung ứng, điều tiết nguồn điện để bảo đảm cung cấp điện, ứng phó với các kịch bản vận hành cực đoan có thể xảy ra là những biện pháp đã được Chính phủ nêu rõ.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung báo cáo tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: NGHĨA ĐỨC
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung báo cáo tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Sáng 25-4, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 14, thẩm tra nội dung về kinh tế - xã hội sẽ trình Quốc hội ngay phiên khai mạc kỳ họp thứ bảy ngày 20-5 tới đây.

5/15 chỉ tiêu chủ yếu không đạt

Báo cáo tóm tắt đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tình hình năm 2024, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung nhận định, so với báo cáo (ước tính) tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã có những thay đổi tích cực hơn.

QC25.jpeg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Theo báo cáo, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, ứng phó, thích ứng và nỗ lực phấn đấu để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 nhưng có 5/15 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tác động mạnh đến các quốc gia đang phát triển. Nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu “tác động kép” từ yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại nhiều năm. Thiên tai, hạn hán, bão lũ, xâm nhập mặn, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển, tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề.

Trong những tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh tuy có cải thiện, nhưng vẫn gặp nhiều thách thức. Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm. Sản xuất nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn do khô hạn, xâm nhập mặn tăng cao. Tình hình nắng nóng, hạn hán, thiếu nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro đến sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện, cần chủ động, sẵn sàng ứng phó kịp thời.

Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu; tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước quý 1 thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch Covid-19 2011-2019. “Nhu cầu của thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh cao là các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay. Trong quý 1, có gần 74.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2023, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Đỗ Thành Trung nêu rõ.

Trong khi đó, một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính còn phiền hà, chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Điển hình là quy định tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm tại Nghị định số 09/2016/NĐ-CP, quy định về phòng cháy chữa cháy (Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, Thông tư số 02/2021/TT-BXD), quản lý thuế đối với giao dịch liên kết (Nghị định 132/2020/NĐ-CP)...

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung khái quát, Chính phủ chủ trương tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đặc biệt là thúc đẩy và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân… Đặc biệt, sẽ bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, sẵn sàng phương án cung ứng, điều tiết nguồn điện để bảo đảm cung cấp điện, ứng phó với các kịch bản vận hành cực đoan có thể xảy ra, ông Đỗ Thành Trung khẳng định.

Kế hoạch 5 năm GDP tăng 6,5-7%, muốn đạt chỉ tiêu này thì 2 năm cuối nhiệm kỳ phải tăng phải 8,5%, mà quý 1-2024 chỉ tăng có 5,66%

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Cùng với đó, giải pháp quan trọng là tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước cũng sẽ được chú trọng thông qua việc triển khai các giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu, quản lý thu thuế thương mại điện tử, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia và nguồn thực hiện cải cách tiền lương, an sinh xã hội.

Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cũng nhấn mạnh giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, liên vùng, liên tỉnh, năng lượng; huy động và sử dụng hiệu quả khoản vay ODA 2,5 tỷ USD cho phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ lo lắng khi năm 2023 có tới 1/3 số chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Nếu năm 2024 không duy trì được đà phục hồi và phát triển thì khó có thể hoàn thành mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025.

“Ba năm đầu nhiệm kỳ tăng trưởng bình quân chỉ 5,24 % mà theo nghị quyết của Quốc hội thì kế hoạch 5 năm GDP tăng 6,5-7%, muốn đạt chỉ tiêu này thì 2 năm cuối nhiệm kỳ phải tăng phải 8,5%, mà quý 1-2024 chỉ tăng có 5,66%, dù đã là cao nhất quý 1 từ 2020 đến nay”, ông Vũ Hồng Thanh phân tích.

Tin cùng chuyên mục