Bảo đảm một kỳ thi thực sự chất lượng

Từ thực tiễn những năm gần đây cho thấy, để bảo đảm chất lượng kỳ thi, Bộ GD-ĐT cần tăng cường tập huấn về chống gian lận công nghệ cao; yếu tố nhân sự cho kỳ thi phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, quy trình làm đề thi, ngân hàng câu hỏi cần được chuẩn hóa ở mức tối đa để tránh trùng đề, tránh gây tranh cãi về đề dễ, đề khó cũng như lộ, lọt đề.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có tính chất nhạy cảm, tác động xã hội lớn vì là kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Điều đó đòi hỏi sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, phối hợp nhịp nhàng, thông suốt giữa các bộ ngành, địa phương, cách làm việc khoa học, chặt chẽ và nhất là tuyệt đối không lơ là, chủ quan ở bất cứ khâu nào. Dù kỳ thi năm nào cũng diễn ra nhưng dường như năm nào cũng xảy ra những vấn đề ngoài mong muốn. Như kỳ thi năm 2023, với hơn 1 triệu thí sinh cả nước dự thi, có 41 thí sinh bị đình chỉ thi, trong đó có 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.

Đáng chú ý, trong buổi thi môn Văn và Toán, 2 thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải đề. Hình ảnh này sau đó lan truyền trên mạng xã hội và báo chí. Việc lọt đề thi ra ngoài không kịp gây ảnh hưởng đến kỳ thi nhưng cho thấy công tác bảo mật chưa thực sự nghiêm túc.

Bên cạnh vấn đề chống gian lận thi cử bằng công nghệ cao khá nhiêu khê, khâu đề thi cũng là việc đáng chú ý. Năm 2023, đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT có ngữ liệu trùng với đề thi thử ở Nghệ An. Dù Bộ GD-ĐT khẳng định ngữ liệu trùng nhưng lệnh hỏi hoàn toàn khác nhau, qua đó cho thấy công tác ra đề thi cần tiếp tục được hoàn thiện. Rồi chuyện đề thi dễ, đề thi khó, đề thi có tính phân hóa không cao cũng luôn là vấn đề nóng bỏng mà dư luận đặt ra sau mỗi kỳ thi hàng năm.

Xa hơn nữa, vụ án lộ đề môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 khiến hai cựu giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hầu tòa với cáo buộc “cài cắm” các câu hỏi do mình soạn vào bộ đề rồi “phím” trước, làm lộ đề thi môn Sinh cho một số thí sinh có mối quan hệ họ hàng. Sau vụ án này, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh quy trình ra đề thi, theo hướng người lựa chọn câu hỏi và xây dựng câu hỏi phải khác nhau.

Rõ ràng, từ những vấn đề của kỳ thi trước, dư luận đặc biệt quan tâm đến khâu ra đề thi và chống gian lận thi cử bằng công nghệ cao. Đơn cử, vụ việc lọt đề thi ra ngoài, nếu không kịp thời ngăn chặn sớm, thì hậu quả không dễ đo lường, thậm chí có thể dẫn đến việc phải tổ chức thi lại, gây tốn kém, mệt mỏi, mất lòng tin.

Chuẩn bị cho kỳ thi năm 2024, Thủ tướng vừa có chỉ thị về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh 2024. Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị công nghệ thông tin vào phòng thi. Đồng thời, phải bảo đảm đề thi chất lượng, có mức độ phân hóa phù hợp, tuyệt đối an toàn, chính xác, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi.

Từ thực tiễn những năm gần đây cho thấy, để bảo đảm chất lượng kỳ thi, Bộ GD-ĐT cần tăng cường tập huấn về chống gian lận công nghệ cao; yếu tố nhân sự cho kỳ thi phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, quy trình làm đề thi, ngân hàng câu hỏi cần được chuẩn hóa ở mức tối đa để tránh trùng đề, tránh gây tranh cãi về đề dễ, đề khó cũng như lộ, lọt đề. Phải đảm bảo công tác bí mật đề thi và đề thi phải đảm bảo công bằng và phân hóa. Do vậy, rất cần thực hiện đúng yêu cầu “4 đúng”, “3 không” trong tổ chức kỳ thi mà Bộ GD-ĐT đề ra: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường; không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức.

Tin cùng chuyên mục