2 dự án - 4 lần điều chỉnh quy hoạch
2 dự án đến nay đã qua 4 lần điều chỉnh quy hoạch. Lần gần nhất là năm 2020, UBND TP Đà Nẵng điều chỉnh theo hướng mở rộng tuyến đường ven sông, tăng diện tích cây xanh, bổ sung bãi đậu xe công cộng. Đặc biệt, 2 dự án sẽ không còn các khối nhà cao tầng, chỉ còn biệt thự.
Theo ông Đinh Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, nếu làm vậy, theo quy định, TP Đà Nẵng phải bỏ ra số tiền lớn để bồi thường cho 2 chủ đầu tư do dự án bị giảm mật độ xây dựng đơn vị ở, giảm diện tích đất ở mà trước đó 2 đơn vị đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính - thương mại.
Bên cạnh đó, ý kiến mới nhất của TP Đà Nẵng cho rằng, đề xuất cao tầng với khoảng cách các tòa tháp theo quy hoạch trước đây có thể xem xét nhằm phát huy tầm nhìn thoáng rộng ra sông Hàn. Việc tổ chức nhà thấp tầng dàn trải, kéo dài sẽ không phát huy được lợi thế của dự án ven sông, hiệu quả chiếu sáng về đêm cho sông Hàn không cao.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP Đà Nẵng cho rằng, việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch 2 dự án cần được xem xét đồng bộ, hài hòa cảnh quan tổng thể. Đặc biệt, TP Đà Nẵng tiếp tục khẳng định 2 nguyên tắc là vẫn ưu tiên dành không gian xanh phía sông cho công viên và phục vụ công cộng; bố trí đường cảnh quan ven sông kết nối xuyên suốt.
“Tôi thống nhất khi TP Đà Nẵng cho rằng, cần nghiên cứu các giải pháp về quy hoạch để có thêm diện tích cho các không gian mở kết nối thông suốt từ đường Trần Hưng Đạo và đường Lê Văn Duyệt về phía sông, dành không gian cho trục cảnh quan ven sông kết nối xuyên suốt phục vụ công cộng theo hướng không phải bồi thường một khoản tiền quá lớn cho các nhà đầu tư trong khả năng ngân sách thành phố chưa thể phục hồi qua 2 năm gồng mình phòng chống đại dịch”, ông Tiếng nêu.
Tạo điều kiện cho nhà đầu tư
Một số đại biểu còn băn khoăn về nội dung công trình xây dựng lấn sông, lấp sông, nén dòng sông Hàn ở vị trí cuối sông, đầu sóng, biển dâng khi mưa, bão dễ xảy ra sạt lở. Theo ông Bùi Chí Loan, PCT Thường trực Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng, dù làm gì thì TP Đà Nẵng cần đặt mục tiêu lên hàng đầu là làm đẹp cảnh quan, vừa phục vụ cuộc sống người dân theo hướng xây dựng TP Đà Nẵng hiện đại, văn minh và đáng sống.
“Có bồi thường thì điều tiên quyết là bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân. Việc mở rộng, giãn cách nhà khối cao tầng và các khu nhà theo đề xuất tôi thấy là hợp lý. Tuy nhiên, khối cao tầng cần giãn vào phía trong, phía trước là nhà thấp tầng để chúng ta hưởng lợi từ sông Hàn kèm theo xây dựng công viên cây xanh, bãi xe công cộng cũng như khu vui chơi giải trí. Đặc biệt là liên kết từ đầu sông đến cuối sông, tránh việc bị cắt ngang bởi các dự án khép kín. Chính điều này sẽ làm người dân, du khách cảm thấy ấn tượng khi nhớ về TP Đà Nẵng. Lợi thế như vậy mà chúng ta lại điều chỉnh làm mất lợi thế của nó thì không được”, ông Loan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Nam, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đơn vị đã tính toán trên mô hình tin cậy và kết quả cho thấy hai công trình này ảnh hưởng rất nhỏ đến việc thu hẹp dòng chảy cũng như lũ lụt. Hiện tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cùng một số tuyến đường khác sẽ trở thành đê chắn nên lũ sông Hàn sẽ càng nhỏ. Lũ sông Hàn sẽ không tràn bờ nữa dù có xảy ra lũ lớn tương tự như các năm 1999, 2007 hay 2009.
Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Đà Nẵng, nếu chỉ làm thấp tầng sẽ biến nơi đây thành “khu đô thị ngủ” do sau 22 giờ là đèn tắt hết, như vậy sẽ không xứng tầm vì sông Hàn chính là “phòng khách” của TP Đà Nẵng. Còn nếu có cả chục tháp cao tầng cùng xuất hiện ở đây thì lại vượt ngưỡng chịu đựng của môi trường. Vì vậy, chủ đầu tư nên tổ chức thi hoặc mời kiến trúc sư đẳng cấp thiết kế cho xứng tầm, có thể tạo nên thương hiệu cho TP Đà Nẵng.
Khuyến khích tổ chức thi tuyển để chọn phương án tối ưu, ông Vũ Quang Hùng, Bí thư Quận ủy Hải Châu, thành viên Hội đồng kiến trúc Hội Kiến trúc sư Việt Nam khóa 10 lưu ý, đối với các dãy nhà thấp cần nên nghiên cứu theo hướng kết hợp phục vụ thương mại, dịch vụ, phục vụ người dân và khách du lịch.
“Tuyệt đối tránh phát triển các loại hình nhà ở biệt lập chỉ phục vụ cho một số ít người”, ông Hùng nói.
Ông Lê Quang Nam, PCT UBND TP Đà Nẵng cho rằng, nhà đầu tư cần tổ chức thi tuyển phương án thiết kế về nhà cao tầng, đảm bảo hài hòa về kiến trúc, đảm bảo công năng, phù hợp với cảnh quan khu vực. “Sở Xây dựng, sở TN-MT, Viện Quy hoạch và chủ đầu tư dự án cần xem xét điều chỉnh nghiêm túc phù hợp với quy hoạch. Sau khi điều chỉnh phù hợp với quy hoạch được phê duyệt rồi phải đảm bảo điều kiện sắp xếp lại công năng phù hợp với quy hoạch chung quy định về chiều cao, mật độ. Phải lưu ý không gian công cộng, đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận khu vực này”, ông Nam đề nghị. |