Bảo đảm chất lượng đổi mới giáo dục

Ngày 9-3, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì buổi làm việc giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD-ĐT về các vấn đề giáo dục, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

(SGGP).- Ngày 9-3, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì buổi làm việc giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD-ĐT về các vấn đề giáo dục, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Bảo đảm chất lượng đổi mới giáo dục ảnh 1

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu. Ảnh: tuyengiao.vn

Báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết ĐH lần thứ XII của Đảng và 3 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29, trong đó xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai; thành lập Ủy ban quốc gia đổi mới GD-ĐT. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và soạn thảo 18 đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29. Bộ GD-ĐT được giao chủ trì 9 đề án. Đến nay, đã ban hành 6 đề án, đã trình 1 đề án và đang soạn thảo 2 đề án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2017...

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, điểm nhấn trong các nội dung của Nghị quyết 29 là đổi mới chương trình, sách giáo khoa; phân luồng, đổi mới thi cử, kiểm tra đánh giá; tự chủ đại học; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; vấn đề tài chính trong giáo dục… Trong đó, về chương trình, sách giáo khoa phổ thông, Bộ GD-ĐT đang cố gắng cao nhất về tiến độ, chất lượng, tính khả thi, điều kiện thực hiện cho đồng bộ. Vấn đề phân luồng, Bộ GD-ĐT sẽ kiên quyết cùng Bộ LĐTB-XH đẩy mạnh phân luồng, đặc biệt phân luồng ngay từ THCS với nhiều giải pháp. Về thi cử, sẽ đổi mới theo hướng minh bạch, nhẹ nhàng, không gây tốn kém, căng thẳng. Việc thi cử, kiểm tra đánh giá được chỉ đạo trong suốt quá trình học, không phải lớp 12 mới thi…

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu. Ảnh: tuyengiao.vn

Đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT sau 3 năm thực hiện, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định trách nhiệm thực hiện Nghị quyết 29 là của cả hệ thống chính trị nhưng Bộ GD-ĐT mang tính chất nòng cốt, chủ lực thực hiện. Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị  ngành giáo dục tích cực triển khai mạnh mẽ 9 giải pháp trong Nghị quyết 29. Quán triệt làm tốt hơn nữa công tác thông tin, truyền thông đối với xã hội về các chương trình, kế hoạch, bước đi, quyết tâm và kết quả thực hiện của ngành để tạo ra sự ủng hộ của toàn xã hội. Cùng với đó, chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, chính trị trong trường học, nhất là đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên. Với nội dung chương trình, sách giáo khoa, ngành giáo dục cần tập trung đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng. “Những kiến thức về khoa học tự nhiên, công nghệ trên thế giới đôi khi là sử dụng chung. Khác biệt lớn nhất xoay quanh khoa học xã hội nhân văn, mang tính đặc thù, văn hóa của từng quốc gia, từng dân tộc... Cần đi sâu nghiên cứu hướng đi này để chương trình được hài hòa, kế thừa, tiếp thu được những thành tựu thế giới, đồng thời có được bản sắc riêng”, đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý. Cùng với đó ngành giáo dục cũng phải tiếp tục làm rõ các vấn đề về tự chủ đại học; giáo dục nghề nghiệp, hướng nghiệp, phân luồng ở bậc phổ thông; thi cử, kiểm tra, đánh giá; chính sách đối với các trường ĐH-CĐ ngoài công lập; đánh giá chất lượng, kiểm định, xếp hạng các trường đại học; đánh giá lại các trường mang tên quốc tế; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục