ĐB Phương Hoa cũng cho biết, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm còn rất phức tạp, tình trạng ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra với số lượng lớn người ngộ độc. ĐB Mai Thị Phương Hoa đề nghị Phó Thủ tướng cho giải pháp căn cơ gì để giải quyết vấn đề trên, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân?
Trả lời, Phó Thủ tướng cho rằng, đặt vấn đề này trong bối cảnh hiện nay là chính xác. Việt Nam có nền kinh tế mở nên chúng ta nhập khẩu khá nhiều vật tư, nguyên liệu, điều này phụ thuộc vào thị trường thế giới. Trong khi chúng ta đang thực hiện các gói kích cầu và thực hiện tăng lương, điều này là nguyên nhân dẫn đến biến động và ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát được tỷ số lạm phát mà Quốc hội cho phép.
Phó Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, thông suốt trong đảm bảo sản xuất, cung ứng, lưu thông và phân phối, để đảm bảo các mặt hàng mà Chính phủ kiểm soát và quản lý về giá được điều chỉnh với lộ trình phù hợp.
Về chính sách tài khóa, Phó Thủ tướng cho biết, chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Tương tự thời gian qua xử lý biến động giá vàng, với những giải pháp của Chính phủ đưa ra nhằm ổn định giá trị của đồng tiền, đảm bảo các tỷ giá đi đôi với chính sách tài khóa.
Cùng với đó, Chính phủ đã thúc đẩy và đưa ra các chính sách để hỗ trợ kích cầu tiêu dùng như du lịch, mua sắm. Đồng thời có nhiều chính sách tăng đầu tư khu vực công, các cơ sở hạ tầng thiết yếu để đảm bảo cho sản xuất và kinh tế phát triển.
“Với các giải pháp này mà Chính phủ đã làm, với sự điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và phòng chống lạm phát, điều chỉnh, kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cả”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định.
Về vấn đề ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra thời gian qua, Phó Thủ tướng cho rằng, cần xem xét, rà soát lại các quy định pháp luật, thể chế, trong đó đang thí điểm cơ quan quản lý liên ngành đối với vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời gian tới, cần xem xét có quy định, chế tài và pháp lý hóa đối với các chuỗi cung cấp thực phẩm, từ nơi sản xuất, khâu sản xuất, khâu chế biến, khâu vận chuyển và nơi tiêu thụ…
Đồng thời cần tập trung thanh tra, kiểm tra, tăng cường năng lực đầu tư cho các trang thiết bị để kiểm soát nhanh các tiêu chí đối với an toàn thực phẩm. “Khi có hệ thống đồng bộ, được đầu tư bài bản, đủ năng lực về trang thiết bị để có thể giám sát và kiểm tra, chúng ta hoàn toàn đáp ứng được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
ĐB Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) chất vấn giải pháp của Chính phủ đối với việc tự chủ đại học trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học, trong đó tiếp tục phân cấp hơn nữa cho các trường nhưng cũng tăng cường vai trò, trách nhiệm của quản lý nhà nước thông qua việc xác định để thẩm định, đánh giá các chương trình đào tạo...
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, không vì tự chủ mà làm ảnh hưởng đến việc đầu tư cơ sở vật chất cần thiết. Đối với một số lĩnh vực, Nhà nước sẽ lựa chọn để có đầu tư công, đặc biệt là đối với các trung tâm, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; xác định đầu tư để đặt hàng đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo.
Nhà nước cũng sẽ quản lý thông qua các tiêu chí để đánh giá kết quả đầu ra; thu hút sự tham gia đánh giá của những cơ sở sử dụng nguồn nhân lực này để đánh giá và công bố uy tín các trường…
ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình) cho rằng, ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vậy điểm nhấn quan trọng nhất mà Chính phủ đã làm được trong thời gian qua là gì, thứ tự ưu tiên trong cải cách thể chế cần tập trung thực hiện trong thời gian tới?
Theo Phó Thủ tướng, điểm nhấn quan trọng vừa qua chính là kiện toàn cơ quan quản lý, giảm được phần lớn các tổng cục, giảm bao nhiêu cơ quan trung gian là giảm bấy nhiêu thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã họp trực tuyến, giải quyết thủ tục trực tuyến, đề ra mục tiêu giải quyết thủ tục trực tuyến trên cấp độ 4. Nhà nước đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cải cách bộ máy con người. Ngoài ra, Thủ tướng đã yêu cầu cắt giảm tuyệt đối các thủ tục, hướng tới tích hợp nhiều bộ thủ tục trong một dự án hiện nay vào một bộ thủ tục.