Góp ý tại hội thảo, ông Lê Ngọc Tình, Phó Trưởng phòng Phòng Công chứng số 2 TPHCM nhận định, Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) phải đáp ứng việc quản lý chặt chẽ thị trường BĐS của nhà nước, nhưng cũng kiến tạo điều kiện để thị trường này phát triển bền vững, không còn tái diễn câu chuyện “bong bóng BĐS”. Để điều tiết, thúc đẩy tăng trưởng theo quy luật của thị trường thì công chứng là sự lựa chọn với tư cách bên thứ ba độc lập, khách quan, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công chứng để bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên giao dịch, phòng ngừa vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, TS Đỗ Giang Nam, giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích, chức năng chứng cứ và chức năng cảnh báo là hai thuộc tính cốt lõi lý giải hợp đồng liên quan chuyển nhượng BĐS luôn đòi hỏi yêu cầu chặt chẽ về hình thức. Mặc dù, việc đáp ứng quy định về hình thức sẽ làm tăng chi phí giao dịch liên quan đến BĐS cho các bên, nhưng đó là chi phí cần thiết để đảm bảo an toàn pháp lý, bảo vệ lợi ích chính đáng cho các bên tham gia vào các giao dịch có tầm quan trọng đối với đời sống của mình.
TS Lưu Quốc Thái, giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng, để đảm bảo an toàn, minh bạch và kiểm soát được việc sử dụng tiền ứng trước, việc thanh toán trong mua bán nhà ở hình thành trong tương lai phải được thực hiện qua ngân hàng. Biện pháp này có thể thay thế bảo lãnh của ngân hàng nếu như buộc chủ đầu tư chuyển toàn bộ số tiền ứng trước vào một tài khoản ký quỹ. Số tiền chỉ được giải ngân theo tiến độ thi công dự án của chủ đầu tư. Giải pháp này ngoài ra cũng sẽ giúp giảm bớt chi phí do bảo lãnh ngân hàng và giảm thiểu các giao dịch “bất minh” nhằm mục đích rửa tiền trong giao dịch kinh doanh BĐS.