Những “hành khách” của vệ tinh có thể được phóng vào đầu năm 2020 sẽ bao gồm hơn 240kg hạt giống và cây trồng và một số dạng sống khác như vi khuẩn.
Đây là một phần trong thí nghiệm lớn nhất thế giới nhằm tạo nên đột biến sinh học nhờ bức xạ vũ trụ. Theo các nhà nghiên cứu của Chính phủ Trung Quốc, chuyến bay diễn ra trong khoảng 2 tuần, trong quãng thời gian đó, các hạt giống sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu không khí, nhiệt độ gần mức 0 tuyệt đối và bức xạ năng lượng cao.
Cây giống sẽ có những đột biến mà trong điều kiện thông thường sẽ không thể hoặc mất nhiều thời gian hơn mới hình thành được. Sau chuyến bay, một buồng chứa sẽ mang các “hành khách còn sống sót” trở về Trái đất để các nhà khoa học gieo trồng, theo dõi sự phát triển của chúng và đánh dấu những đặc tính dị thường như sản lượng cao hơn hay các màu sắc mới, từ đó xác định những ứng viên để đưa vào khai thác thương mại.
An ninh lương thực hiện là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc, vốn là quốc gia chiếm gần 20% dân số thế giới nhưng chỉ sở hữu 9% diện tích đất có thể canh tác được. Qua nhiều thập kỷ, nhiều quốc gia đã gửi cây trồng vào không gian để kích thích đột biến nhằm tạo ra những giống có sản lượng cao hơn, nhưng chưa có chương trình nào đọ được với Trung Quốc về sự kiên trì và quy mô cả.
Khi Trung Quốc phóng Shijian 8 - vệ tinh đầu tiên trên thế giới được thiết kế chủ yếu để gây giống đột biến - vào năm 2006, mang theo khoảng 200kg rau củ, trái cây, ngũ cốc… cộng đồng quốc tế đã tỏ ra nghi ngờ. Một số nhà nghiên cứu tại Mỹ nói rằng những lợi ích việc này mang lại chẳng đáng so với chi phí bỏ ra. Họ xem vụ phóng tàu này là một màn kịch của Trung Quốc. Bởi các chuyến bay lên không gian rất đắt đỏ, tốn khoảng 10.000 USD/1,3kg hàng hóa. Nhưng chương trình của Trung Quốc đã gửi lên rất nhiều loại thực vật và hạt giống với sự hỗ trợ từ ngân sách chính phủ. Các cơ sở nghiên cứu đã được thành lập để nghiên cứu những đột biến thu được và nước này cũng đã bổ nhiệm nhiều nhà khoa học lẫn các quan chức để dẫn dắt chương trình.
Những thông tin chi tiết thu được từ chương trình không gian của Trung Quốc đã giúp sản lượng sản xuất ngũ cốc hàng năm tăng 1,3 triệu tấn. Đến cuối năm 2018, các trang trại thương mại được lập nên để trồng các chủng loại thu về từ các chương trình không gian này đã đạt quy mô 2,4 triệu ha, mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp hơn 200 tỷ nhân dân tệ (28 tỷ USD).
Một bản báo cáo từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hồi tháng 4 vừa qua cho biết loại lúa mì đột biến được sử dụng nhiều thứ 2 tại Trung Quốc, Luyuan 502, đã được phát triển bằng cách cho đột biến trong không gian, và có năng suất cao hơn 11% so với loại truyền thống.
Nó còn chống chịu tốt hơn với hạn hán và các loại dịch bệnh lớn khác. Hiện Trung Quốc đã tạo ra hơn 1.000 loại thực vật đột biến, chiếm 1/4 trong cơ sở dữ liệu thực vật đột biến trên toàn thế giới.