Tại cuộc họp, TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia báo cáo, từ đêm 8-9, bão Conson vượt qua Philippines đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 5. Tuy nhiên, cơn bão này đang tương tác với cơn bão khác có tên quốc tế là Chanthu nên liên tục thay đổi hướng. Các cơ quan dự báo của quốc tế và Việt Nam có các mô hình nhận định khác nhau, hoặc bão đi lệch xuống Bắc Trung bộ hoặc đi vào đảo Hải Nam (Trung Quốc). Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia dự báo bão Conson sẽ tác động xấu đến các tỉnh từ Bắc bộ đến Bắc Trung bộ, cần chuẩn bị các phương án ứng phó với cơn bão này.
Để đảm bảo an toàn cho người dân với bão và dịch bệnh, các địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh và mưa lớn diện rộng, với tổng cộng hơn 250.000 người, gồm 73.996 người dân khu vực ven biển, 114.091 người dân khu vực ven sông và ngoài đê (nhiều nhất là Thanh Hóa, Nghệ An) và 70.770 dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất (nhiều nhất là Cao Bằng, Thái Nguyên). Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể về phòng chống thiên tai trong điều kiện dịch Covid-19.
Cập nhật từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản và các trung tâm cảnh báo bão ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chiều tối 8-9, tâm bão Conson có tọa độ 14,5 độ vĩ Bắc - 120,6 độ kinh Đông, ở khu vực phía Nam đảo Luzon (Philippines) với gió cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Đêm về sáng 9-9, bão đi vào Biển Đông.
Để ứng phó với bão Conson, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã sẵn sàng lực lượng với hơn 500.000 bộ đội và dân quân tự vệ cùng hơn 2.000 phương tiện xử lý các tình huống xảy ra.