Hội thảo được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá hiệu quả sau 4 năm triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, góp phần làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua hoạt động báo chí, xuất bản.
Hiện, cả nước có 815 cơ quan báo chí, 57 nhà xuất bản với hàng chục ngàn phóng viên, biên tập viên. Song so với yêu cầu phát triển mới của đất nước, vai trò của báo chí, xuất bản trong bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vẫn còn những hạn chế nhất định.
Đứng trước bối cảnh và những yêu cầu mới hiện nay, để thực sự phát huy vai trò là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, báo chí, xuất bản cần có những thay đổi, xác định phương hướng, giải pháp mới, đột phá nhằm phát huy vai trò, sức mạnh của mình trong việc định hướng dư luận, làm chủ đời sống tinh thần, chiếm lĩnh mặt trận tư tưởng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch.
Với hơn 40 tham luận của các nhà nghiên cứu đầu ngành về công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng, các chuyên gia, cán bộ đang công tác tại các cơ quan báo chí, xuất bản, các đơn vị giảng dạy báo chí, xuất bản ở Trung ương và địa phương, các đại biểu dành nhiều công sức, trí tuệ, tập trung làm sáng tỏ cơ sở lý luận về vai trò của báo chí, xuất bản so với các công cụ, phương thức khác của hệ thống chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Đồng thời nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng trong đời sống xã hội và trên không gian mạng; phân tích vai trò cung cấp thông tin chính thống của báo chí, xuất bản chống lại xu hướng nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội, hay lợi dụng các vấn đề nhạy cảm như dân tộc, tôn giáo, dịch bệnh... để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Nhiều tham luận đã phân tích, dự báo những tác động, thách thức của môi trường Internet, chuyển đổi số cũng như sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đối với báo chí, xuất bản Việt Nam trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chỉ ra những mặt thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu đưa báo chí, xuất bản trở thành ngành công nghiệp văn hóa vững mạnh trong tương lai.
Hội thảo cũng đã khái quát thực tiễn, chỉ ra những điểm đặc thù của mô hình xuất bản, báo chí của Việt Nam; đồng thời chọn lọc và giới thiệu những kinh nghiệm có giá trị tham khảo, các phương thức đổi mới công tác xuất bản, báo chí tiên tiến, phù hợp của các quốc gia, các ngành, lĩnh vực, góp phần rút ra những giải pháp phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam hiện nay.