Từ khi Nghị định 43/2006/NĐ-CP (NĐ 43) quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập ra đời đã “cởi trói” cho đơn vị sự nghiệp công phát triển và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP (NĐ 16) quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (thay thế NĐ 43). NĐ 16 đã mang lại một số kết quả tích cực, nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, “trói” các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là các cơ quan báo chí, xuất bản.
Lại quay về điểm xuất phát
Sau 5 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn cho thấy còn tồn tại một số hạn chế, đặc biệt khó khăn cho các cơ quan báo chí, xuất bản trong khi Bộ TT-TT chưa có quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong từng lĩnh vực báo chí và xuất bản - một lĩnh vực đặc thù, đi đầu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, làm nhiệm vụ chính trị là chính chứ không phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu.
NĐ 16 ra đời tiếp tục khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, tức tự thu, tự chi để giảm gánh nặng cho ngân sách. NĐ này là bước cải tiến, giúp các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục “dứt bầu sữa mẹ ngân sách”, tự kinh doanh và hạch toán như doanh nghiệp. Nhờ vậy, nhiều đơn vị sự nghiệp đã tự chủ tài chính, tự hạch toán thu chi, có điều kiện tăng thu nhập cho người lao động.
Thế nhưng, theo Điều 12 và 13 của NĐ 16, về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập loại hình tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và loại hình đảm bảo chi thường xuyên, thì các đơn vị chỉ được chi trả tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định, còn quỹ bổ sung thu nhập (thu nhập tăng thêm) chỉ được chi trả sau khi đã hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác (nếu có). Điều này có thể giúp tăng thu ngân sách nhà nước vì thu nhập tăng thêm của người lao động ở các đơn vị công lập tự chủ không được đưa vào chi phí nên vô hình trung lợi nhuận (trên báo cáo tài chính) của đơn vị sẽ tăng lên.
Đối với các cơ quan báo chí, xuất bản tự chủ vừa làm nhiệm vụ chính trị vừa phải hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế để có lợi nhuận là một thách thức thực sự trong giai đoạn hiện nay. Việc không được đưa thu nhập tăng thêm của người lao động trong các đơn vị hoạt động hết sức đặc thù này vào chi phí dẫn đến lợi nhuận tăng, kéo theo đóng thuế tăng nhưng tổng thu nhập người lao động giảm.
Để đơn vị sự nghiệp công lập vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp, Điều 21 NĐ 16 quy định về điều kiện, nội dung, yêu cầu là phải được “các bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh trong phạm vi thẩm quyền chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công rà soát, xây dựng lộ trình để đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp”. Tuy nhiên, mãi đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa tiến hành rà soát, hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị thuộc lĩnh vực báo chí và xuất bản.
Trong khi NĐ 16 có nói rõ rằng khi các bộ, ngành chưa có quy định cụ thể lĩnh vực chuyên ngành thì các đơn vị áp dụng NĐ 43. Và từ đây, nhiều bất cập tiếp tục nảy sinh, bởi nơi áp dụng NĐ 16, nơi áp dụng NĐ 43. Điều 18 NĐ 43 và khoản 3, khoản 6 Mục VIII Thông tư 71/2006/TT-BTC quy định: các đơn vị có thành lập tổ chức sự nghiệp trực thuộc để hoạt động dịch vụ và tổ chức hạch toán riêng doanh thu thì tiền lương, tiền công của người lao động được thực hiện theo chế độ tiền lương của doanh nghiệp nhà nước; đơn vị không thành lập tổ chức sự nghiệp trực thuộc và hạch toán riêng doanh thu thì tiền lương, tiền công của người lao động thực hiện hoạt động dịch vụ đó được tính theo tiền lương cấp bậc, chức vụ do Nhà nước quy định. Điều này có thể hiểu, các đơn vị hậu cần được hưởng lương theo doanh nghiệp, còn viên chức lại tính theo mức lương cơ bản nhà nước!
Biên tập viên T.T.L làm việc tại một nhà xuất bản cho biết, cơ chế tự chủ theo NĐ 43 thời gian qua đã khuyến khích nhiều cơ quan văn hóa, thông tin, tuyên truyền mở rộng dịch vụ, tạo doanh thu để tăng thu nhập, nhờ đó đội ngũ làm việc chất xám cũng tăng tính sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm. Có đơn vị linh hoạt vừa áp dụng NĐ 43, vừa áp dụng NĐ 16 bằng cách tách từng bộ phận trong một đơn vị sự nghiệp công lập; nếu đơn vị có nhiều bộ phận cấu thành vừa có kinh tế, vừa có xuất bản báo thì lại tạo ra bất hợp lý là lương người lao động cao hơn lương viên chức (bởi trong đơn vị sự nghiệp công có nhiều chức danh công việc).
Nhà báo Đ.P.H lấy ví dụ tại cơ quan báo của anh, cho thấy, tờ báo có một số đơn vị trực thuộc như công ty in, công ty truyền thông và sự kiện, công ty phát hành…, là những đơn vị hậu cần cho hoạt động của tờ báo, nhưng được hưởng lương như doanh nghiệp để chủ động hơn.
Rõ ràng, với 2 cách tính khác nhau giữa các bộ phận trong một đơn vị sự nghiệp công đã tạo ra mức lương khác nhau, dẫn đến khả năng có những nhân viên các công ty con hưởng thu nhập cao hơn đội ngũ làm nội dung tờ báo (bao gồm phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý khối nội dung…).
Thực tế, chênh lệch hoạt động kinh tế báo chí thường “âm”, nên quỹ nhuận bút dựa vào đó cũng thấp. Trước sự cạnh tranh gay gắt giữa báo chí với sự phát triển của mạng xã hội khiến nguồn thu bán báo và quảng cáo theo xu hướng ngày càng giảm, nhất là báo in… Chưa kể, trong thời điểm dịch Covid-19, người mua báo sụt giảm mạnh, hoạt động quảng cáo của các doanh nghiệp trên báo chí cũng gần như mất hẳn, nguồn thu từ hoạt động kinh tế báo chí hầu như không đủ bù chi phí, thì khó mà có lợi nhuận để chi tăng thêm cho cán bộ công nhân viên. Khó khăn lại chồng chất. Thu nhập thấp thì không thể kích thích người làm báo sáng tạo, cho ra sản phẩm hay để tăng tính cạnh tranh.
Để giảm gánh nặng cho báo chí, giúp báo chí vừa có thể gánh vác nhiệm vụ chính trị, vừa phải tự lo kinh tế nuôi sống mình, mong rằng Chính phủ sớm ban hành nghị định mới quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; cho phép các cơ quan báo chí, xuất bản được chi lương như doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, cần cân nhắc, xem xét giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của các cơ quan báo chí, xuất bản từ 10% hiện nay còn 2% - 5%, để giảm gánh nặng về thuế, tăng thu nhập cho người lao động, giúp cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình một cách chủ động, minh bạch, hiệu quả.