Tìm những cách thức mới để thu hút độc giả
PHÓNG VIÊN: Hội Báo toàn quốc năm 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại TPHCM, với quy mô được xem là lớn nhất từ trước đến nay, điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Nhà báo LÊ QUỐC MINH: Nhiều năm qua, Hội Báo toàn quốc đều được tổ chức tại Hà Nội và đã tạo được những dấu ấn rất quan trọng trong giới báo chí, cũng như đối với công chúng, độc giả. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, nếu tổ chức mãi ở Thủ đô Hà Nội thì có những điểm hay, nhưng chưa phù hợp với định hướng của Hội Nhà báo Việt Nam, cũng như sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Đó là những sự kiện quan trọng phải được tổ chức ở nhiều địa điểm trên toàn quốc. Đặc biệt, với TPHCM, một trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa lớn của cả nước thì không có lý gì mà chúng ta không tổ chức hội báo toàn quốc ở đây.
Lần đầu tiên đưa hội báo toàn quốc tới TPHCM có những khó khăn, thách thức nhất định; nhất là về khâu hạ tầng, chuẩn bị hậu cần, nhân sự tổ chức… Nhưng Hội Nhà báo Việt Nam quyết tâm đổi mới. Được sự hỗ trợ của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT, đặc biệt là lãnh đạo TPHCM, công tác chuẩn bị được triển khai từ giữa năm 2023 và thực hiện từng bước. Đầu năm 2024, mọi công tác được thúc đẩy nhanh và mạnh hơn. Chúng tôi cũng phối hợp với những đối tác để công tác tổ chức, thiết kế được chuyên nghiệp, hợp lý nhất. Nhờ sự đổi mới nên năm nay, lần đầu tiên số gian hàng tham gia hội báo toàn quốc tăng lên gần 120 gian (những năm trước chỉ có khoảng 90 gian hàng tham gia). Một điểm mới, thú vị nữa là lần đầu tiên hội báo toàn quốc có sự tham gia của các sản phẩm OCOP, với gần 70 gian hàng của nhiều tỉnh, thành phố.
Đây cũng là lần đầu tiên, tại Hội Báo toàn quốc năm 2024, Diễn đàn Báo chí toàn quốc được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức với 2 phiên tổng thể, 10 phiên chuyên đề, thảo luận về nhiều vấn đề đặt ra đối với báo chí hiện nay. Với cương vị là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông kỳ vọng gì từ lần tổ chức này?
Hàng năm, có rất nhiều hội thảo về báo chí do nhiều cơ quan, các cấp khác nhau tổ chức. Tại các hội báo toàn quốc cũng có những cuộc tọa đàm, những phiên thảo luận ý nghĩa, nhưng thường là những sáng kiến đơn lẻ của các đơn vị trực thuộc. Năm nay, Hội Nhà báo Việt Nam nhận thấy phải thay đổi cách thức tổ chức để mọi hoạt động mang tính tổng thể, quy chuẩn hội nghị phải mang tầm quốc tế; phải tranh thủ sự có mặt đông đảo của lãnh đạo các cơ quan báo chí cả nước để trao đổi, thảo luận những vấn đề vĩ mô, về nhiều lĩnh vực, nhiều thách thức cũng như cơ hội của báo chí trong thời kỳ mới.
Trong các diễn giả tham gia diễn đàn báo chí toàn quốc có những chuyên gia không chỉ về báo chí - truyền thông mà cả ở những lĩnh vực về quản lý nhà nước, công nghệ, kinh doanh, bảo vệ bản quyền..., có cả chuyên gia trong nước và nước ngoài. Dự kiến sẽ có gần 1.000 đại biểu tham gia các phiên thảo luận. Trong đó, sẽ có một phiên đặc biệt, lần đầu tiên đại diện báo chí, doanh nghiệp và các công ty quảng cáo ngồi lại với nhau để bàn luận về khả năng hợp tác thúc đẩy quảng bá thương hiệu và hỗ trợ báo chí. Tôi nghĩ cách tổ chức hội nghị chuyên nghiệp như thế này chắc chắn sẽ mang lại nhiều điều thú vị, bổ ích cho những người, những đơn vị tham gia.
Với báo chí Việt Nam, bấy lâu nay, mọi người đều muốn đổi mới, tìm ra những cách thức mới để thu hút độc giả, khán thính giả. Nhưng trừ một vài cơ quan báo chí có sự sáng tạo, có những sản phẩm mới lạ, còn hầu hết các cơ quan báo chí vẫn theo cách làm truyền thống, đã kéo dài hàng chục năm nay; không có gì đổi mới thực sự, ngoài việc cải tiến và nâng chất lượng nội dung. Năm nay, lần đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức một cuộc khảo sát rất kỹ. Đến nay, trong số gần 800 cơ quan báo chí, đã có gần 200 cơ quan báo chí và gần 50 cơ quan phát thanh - truyền hình trả lời khảo sát. Con số bước đầu như vậy là khả quan, giúp chúng tôi có được dữ liệu tương đối xác thực về tình hình thực tế của hoạt động báo chí ở Việt Nam hiện nay. Những con số này sẽ đi vào nội dung các cuộc tọa đàm. Từ đó đưa ra định hướng phù hợp đối với hoạt động báo chí ở Việt Nam trong thời gian tới.
Tiếp tục đổi mới để khẳng định vị thế, vai trò
Theo chương trình, nhiều nội dung thảo luận tại diễn đàn báo chí toàn quốc lần này gắn với xu hướng báo chí hiện đại, công nghệ số, môi trường số, không gian mạng. Theo ông, quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền báo chí hiện đại của báo chí Việt Nam đang diễn ra như thế nào, đã đạt được những kết quả đáng kể nào?
Quá trình chuyển đổi số của báo chí Việt Nam diễn ra không nhanh như kỳ vọng. Chúng ta nói rất nhiều đến chuyển đổi số, về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nhưng thực tế là việc ứng dụng, áp dụng công nghệ số vào hoạt động báo chí không được như mong muốn. Thời gian qua, một số cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đã chuyển đổi số rất nhanh, trong cả báo điện tử, báo in, truyền hình, phát thanh; đem lại những kết quả tích cực, nhất là về mặt thu hút công chúng và cả kinh doanh. Tuy nhiên, rất nhiều cơ quan báo chí vẫn “im lặng chờ xem”, hoặc có chuyển đổi nhưng không đáng kể.
Chúng tôi luôn khuyến nghị, tùy theo năng lực và bộ máy của mình, các cơ quan báo chí hãy thử nghiệm. Không phải thử nghiệm thì sẽ thành công, nhưng nếu không thử nghiệm thì không thể biết cái gì phù hợp với mình. Trên thực tế, nếu không thử nghiệm, không thay đổi, không nắm bắt những công nghệ và nền tảng mới thì chúng ta sẽ mất độc giả, doanh thu sẽ khó khăn trong thời đại hiện nay. Ví dụ khi báo in giảm lượng phát hành, nếu không đầu tư cho báo điện tử, các kênh truyền thông số, các sản phẩm báo chí mới… thì chắc chắn doanh thu báo chí sẽ giảm.
Đây được xem là thời điểm vô cùng khó khăn của báo chí thế giới cũng như báo chí Việt Nam do sự phát triển của công nghệ. Hội Báo toàn quốc năm 2024, với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân”, sẽ đặt những định hướng, tháo gỡ như thế nào đối với hoạt động báo chí hiện nay?
Thông qua diễn đàn báo chí lần này, chúng tôi muốn thúc đẩy các cơ quan báo chí phải hành động, phải tiên phong. Tiên phong trong mọi hoàn cảnh, lĩnh vực. Tiên phong trong mặt trận tư tưởng. Tiên phong trong định hướng nội dung. Tiên phong về ứng dụng công nghệ. Tiên phong tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới… Chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí hãy hành động, thay cho việc “ngồi chờ xem”. Sự phát triển của công nghệ đã kéo theo sự thay đổi trong thói quen và hành vi tiêu dùng thông tin của công chúng. Hoạt động báo chí bây giờ không còn giống như trước nữa. Các cơ quan báo chí hãy chủ động và mạnh dạn thử nghiệm để tìm ra con đường riêng để phát triển. Hội Nhà báo Việt Nam luôn ủng hộ và đồng hành cùng các cơ quan báo chí.
Chúng ta đang hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam vào năm 2025. Thông qua hoạt động của Hội Báo toàn quốc năm 2024, Hội Nhà báo Việt Nam muốn gửi gắm những điều gì tới các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo cả nước trong dịp này?
Hướng tới dấu mốc 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi nhận thấy đây là thời điểm phải tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ; báo chí cách mạng duy trì vị trí của mình bằng những cách làm chủ động và hiệu quả, thúc đẩy sự năng động của các cơ quan báo chí thuộc mọi loại hình, kêu gọi sự hợp tác của doanh nghiệp. Nếu báo chí không thích ứng với tình hình thực tế, không đổi mới và đổi mới liên tục thì sẽ bị suy giảm vị thế. Báo chí Cách mạng Việt Nam không chỉ là kênh cung cấp thông tin cho người dùng mà còn có nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Chúng ta cùng nhìn lại chặng đường 100 năm qua và hướng đến xa hơn, để làm tốt hơn công tác phục vụ Đảng, phục vụ Nhà nước, phục vụ nhân dân, đúng với sứ mệnh của mình!