Sau khi thực hiện quy hoạch báo chí, TPHCM hiện có 19 cơ quan báo chí với hơn 2.500 nhà báo được cấp thẻ và hơn 160 văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác đang hoạt động trên địa bàn.
Trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng, thì báo chí Việt Nam cần nhanh chóng đón đầu công cuộc chuyển đổi số. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, công cuộc chuyển đổi số, sản xuất nội dung đa nền tảng của các cơ quan báo chí ở nước ta hiện đang gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Hiện một số cơ quan báo chí đã thực hiện chuyển đổi số từ các khâu như: Chuyển đổi trong sản xuất nội dung, chú trọng đến sự quan tâm của người dùng để tạo ra nội dung phù hợp tới các phân khúc người đọc, người xem; đa dạng hóa các hình thức sáng tạo nội dung. Sử dụng đa nền tảng để tiếp cận người dùng theo phương thức “người dùng ở đâu, thông tin ở đó”; hình thành các liên kết báo chí với mạng xã hội, các nền tảng số.
Theo ThS. Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, chuyển đổi số báo chí là xu hướng tất yếu của hoạt động báo chí trong giai đoạn hiện nay. Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng các cơ quan báo chí thành phố vẫn gặp không ít khó khăn trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số, như về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vốn, nguồn nhân lực, vấn đề khai thác, phân tích dữ liệu...
Thời gian qua, báo chí TPHCM nói riêng và báo chí cả nước nói chung đã từng bước chuyển đổi số, đã tạo nên nét sáng tạo và dần thích nghi với bối cảnh mới. Một số cơ quan báo chí đã chủ động xây dựng tòa soạn hội tụ đa phương tiện, môi trường làm việc ngày càng hiện đại, từng bước thực hiện chuyển đổi số theo điều kiện của từng báo và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.
“Có thể kể đến Báo Sài Gòn Giải Phóng đã triển khai việc gửi và biên tập tin bài qua hệ thống CMS (thay vì gửi mail như trước), góp phần đáng kể vào việc rút ngắn quy trình xử lý tin bài (nhập liệu, biên tập, xuất file...), đẩy nhanh tiến độ xuất bản trên báo điện tử. Các phóng viên từng bước tiếp cận, làm quen và sử dụng thành thạo nhiều thiết bị hiện đại để tác nghiệp đa thể loại báo chí, nhất là các video clip, longform. Báo thường xuyên sử dụng các dịch vụ họp trực tuyến để tổ chức các cuộc họp, sinh hoạt nghiệp vụ với các phóng viên, cộng tác viên hoặc tổ chức trao đổi các công việc đột xuất…”, ThS. Nguyễn Minh Hải chia sẻ.
ThS. Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TPHCM thừa nhận, công cuộc chuyển đổi số, sản xuất nội dung đa nền tảng của các cơ quan báo chí ở nước ta hiện đang gặp nhiều khó khăn. Có thể kể đến sự thiếu tự chủ về công nghệ, không hoàn toàn tự chủ được server, CMS, bảo mật, Cloud… buộc phải lệ thuộc vào công nghệ của đối tác; bị ảnh hưởng nhiều bởi thông tin trên mạng xã hội, có nguy cơ bị dẫn dắt bởi tin tức giả mạo, tin thiếu kiểm chứng; các cơ quan báo chí bị ăn cắp bản quyền nội dung thường xuyên, cho đến nay vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn.
Bên cạnh đó, nhiều trang tin điện tử tổng hợp, các nhóm trên Facebook, YouTube copy hoặc “xào nấu” lại để đăng theo ý đồ riêng, làm sai lệch nội dung, cố tình lái dư luận theo hướng tiêu cực, gây hậu quả không nhỏ đối với cộng đồng xã hội.
Về giải pháp, ThS. Nguyễn Văn Khanh cũng đề xuất các cơ quan báo chí cần phối hợp với lộ trình chuyển đổi số báo chí quốc gia, nhanh chóng cụ thể hóa việc hỗ trợ về chính sách, tài chính; thúc đẩy, kiểm soát quá trình chuyển đổi số theo đúng lộ trình của Trung ương, chuyển đổi số theo hướng mang tính đặc thù riêng của báo chí thành phố.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, dữ liệu được đặt tại hệ thống máy chủ của thành phố để tăng cường bảo mật. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, các kỹ năng cơ bản, cần thiết cho phóng viên, nhà báo trong quá trình tác nghiệp, chuyển đổi số báo chí.