Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, Trưởng cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại thành phố Đà Nẵng Phan Xuân Thủy, đại diện các cơ quan báo Đảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Báo Hà Nội Mới, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Hải Phòng, Báo Cần Thơ, Báo Đà Nẵng và 20 cơ quan báo Đảng các địa phương trong cả nước.
Ông Trương Công Định, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng, cho biết: “Hội thảo là cơ hội để các cơ quan báo chí cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để phát huy hơn nữa vai trò báo chí trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị.
Theo đó, ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, báo chí còn là kênh thông tin phản biện hiệu quả trong quá trình thực hiện quy hoạch và đầu tư phát triển đô thị; khơi gợi và phát triển các ý tưởng, đồ án, định hướng tầm nhìn xa để chung sức xây dựng các đô thị có bản sắc, văn minh, hiện đại”.
Cần các nhà báo góp ý thẳng thắn, chân thành, tâm huyết
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí nêu lên thực tế, cũng như các đô thị lớn khác, Đà Nẵng cũng đang đối mặt với những thách thức to lớn trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị.
Đà Nẵng cũng phải đi tìm lời giải cho bài toán phát triển đô thị nhanh nhưng bền vững, phát triển đô thị văn minh, hiện đại nhưng phải giàu bản sắc địa phương…
Báo Hà Nội mới chia sẻ, chỉ tính trong khoảng 5 năm trở lại đây, một loạt vấn đề đã làm được và chưa làm được trong quy hoạch và phát triển đô thị của Hà Nội được các cơ quan báo chí đề cập với mật độ dày đặc.
Tiêu biểu như việc giới thiệu các quy hoạch mới, các tuyến đường giao thông khang trang, hiện đại mới mở, áp lực của Hà Nội trong quá trình phát triển đô thị với quy mô rộng lớn như: Phát triển hạ tầng cây xanh, hạ tầng ngầm, hạ tầng giao thông, hạ tầng tiêu thoát nước đô thị, xây dựng quản lý các khu chung cư cũ - mới, vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng… đều được phản ánh trên mặt báo và thu hút sự quan tâm của bạn đọc.
Theo ông Lê Trọng Nghĩa, Tổng Biên tập Báo Hải Phòng thì trong những năm qua, Báo Hải Phòng đã vào cuộc với các ngành, thành phố, địa phương “gỡ” các điểm nóng bằng những bài viết sát thực, rõ chủ trương, quan điểm, giúp nhân dân hiểu và ủng hộ chủ trương chung.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền luôn được tờ báo cụ thể hóa, chẳng hạn đối với những quy hoạch lớn, Báo Hải Phòng tập trung thực hiện ngay từ khâu lập báo cáo quy hoạch, lấy ý kiến vào đồ án quy hoạch, giới thiệu quy hoạch (khi đã được phê duyệt) góp phần tạo ra dư luận, hướng dẫn dư luận để thực hiện đạt hiệu quả cao.
Quy hoạch được phê duyệt nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Phần lớn các quy hoạch đã chú trọng sự phù hợp giữa quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy sự phát triển của thành phố và khu vực, góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch.
Tham luận của ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng
Là báo Đảng - Cơ quan ngôn luận của Thành ủy TPHCM, Báo SGGP luôn theo sát các diễn biến này trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị của thành phố. Báo SGGP đã kịp thời phản ánh những mặt làm được và góp ý cho những vấn đề chưa làm được.
Hơn 10 năm nay, Báo SGGP đã tổ chức nhiều chuyên trang về phát triển đô thị như Quy hoạch-Kiến trúc, An toàn Giao thông, Môi trường Đô thị, Thích ứng với biến đổi khí hậu… Những chuyên mục này cùng với các tin bài thời sự, đã chuyển tải nhiều thông tin về ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, quy hoạch đô thị đến bạn đọc, đồng thời ghi nhận, chuyển tải các ý kiến của bạn đọc cũng như của các chuyên gia góp ý cho thành phố.
Không dừng lại ở các hoạt động trên mặt báo, Báo SGGP còn tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm, tập hợp ý kiến của các chuyên gia, hiến kế cho TPHCM xử lý các bất cập trong phát triển đô thị. Đơn cử, Hội thảo “Làm gì để vận tải công cộng trở thành phương tiện đi lại chính của người dân?”, Tọa đàm “Thực hiện quy hoạch để chống ùn tắc giao thông”, Giao lưu trực tuyến với bạn đọc “Giải đáp quy hoạch”, Tọa đàm “Xây dựng thành phố thông minh”, “Bảo vệ sông Đồng Nai”….
Báo còn phối hợp với các nhà tài trợ in hàng ngàn bản đồ xe buýt, phát miễn phí cho người dân; mua vé xe buýt tặng cho học sinh, sinh viên… để vận động người dân đi xe buýt.
Báo cũng đã tổ chức nhiều loạt bài, đặt ra nhiều vấn đề bất cập của thành phố trong phát triển đô thị như “Đô thị phát triển lệch pha”, “Giữ cho vỉa hè thông thoáng - mong rằng không là phong trào”, “Chống ùn tắc giao thông cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất: Nan giải”, “Tháo nút thắt ùn tắc cho khu vực Cát Lái”, “Chống ngập phải bắt đầu từ thực hiện nghiêm quy hoạch”… Nhiều loạt bài về đô thị đã đoạt Giải Báo chí quốc gia và TPHCM. Đặc biệt, hầu hết các thông tin được Báo SGGP phản ánh đều được các cơ quan chức năng phản hồi và tiếp thu.
Nhiều phóng viên của báo đã xông xáo, lắng nghe ý kiến của người dân để có được những bài viết tâm huyết, đầy hơi thở của cuộc sống… Phóng viên đi vào những khu vực bị quy hoạch treo hàng mấy chục năm - nơi người dân đối mặt với muôn vàn khó khăn do không được sửa chữa, xây nhà mới, để viết nên những phóng sự đậm chất dân sinh như ký sự ở những khu vực Bình Quới - Thanh Đa (nơi bị quy hoạch treo gần 30 năm). Họ lội nước, ghi nhận tình hình ngập nước sau mỗi cơn mưa bất chấp nguy hiểm…
Hầu hết các vấn đề liên quan đến phát triển đô thị đều được Báo SGGP phản ánh kịp thời. Những vấn đề đô thị liên quan đến đời sống người dân, các vấn đề dân sinh đều được ưu tiên đăng tải trên báo giấy và báo SGGP Online nhằm góp thêm một tiếng nói cho TPHCM trong việc phát triển đô thị ngày một hiện đại, văn minh hơn.