Theo ông Lê Hồng Phước, Phó Tổng biên tập (TBT) phụ trách Báo Long An: “Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề như: mạng xã hội đặt ra thách thức gì; cơ quan báo chí làm gì trước thách thức của mạng xã hội; các cơ quan báo chí tận dụng cơ hội và ứng phó với thách thức của mạng xã hội ra sao… Qua đó, nhằm phân tích, làm rõ những thách thức của mạng xã hội đối với báo chí, từ đó tìm ra những giải pháp hữu hiệu để giải quyết những khó khăn, thách thức này”.
Còn theo ông Lê Công Tân, Phó TBT Báo Tây Ninh, báo chí truyền thống cần phải hợp tác với mạng xã hội để tồn tại và phát triển. Bởi nhiều tờ báo bắt đầu sử dụng fanpage để chia sẻ đường link các bài viết từ báo điện tử, sử dụng các ứng dụng chia sẻ tin tức trên mạng xã hội, chọn mạng xã hội là phương tiện truyền tải thông tin đến bạn đọc.
Đồng quan điểm này, ông Đinh Kim Tuấn, Phó TBT Báo Đồng Nai, cho rằng cần khai thác mạng xã hội để phục vụ tác nghiệp báo chí. Theo ông Tuấn, từ lâu, Báo Đồng Nai đã cử người theo dõi các thông tin trên mạng xã hội để bám sát các thông tin thời sự, các tin đời sống, xã hội, dân sinh. Từ những thông tin này, Ban biên tập yêu cầu phóng viên rà soát, kiểm chứng từ các cơ quan chức năng liên quan để có phản ánh đúng đắn, trung thực, chính xác về sự kiện, hiện tượng.
Còn đối với ông Lê Minh Tùng, Phó TBT Báo Bình Dương, mạng xã hội còn tạo điều kiện để kinh doanh báo chí. Theo ông Tùng, so với hình thức quảng cáo truyền thống, việc quảng cáo trên mạng xã hội có nhiều ưu điểm nổi trội, như tính lan truyền mạnh mẽ, nhanh chóng trong cộng đồng người dùng. Điều quan trọng là các báo sẽ thay đổi như thế nào, nhất là hệ thống báo Đảng địa phương để đón đầu những chiến lược quảng cáo của doanh nghiệp trên mạng xã hội.
Còn theo nhận định của ông Nguyễn Khắc Văn, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng: “Trong lĩnh vực báo chí - truyền thông, khoảng 10 năm gần đây, tồn tại song song báo chí chuyên nghiệp và truyền thông xã hội. Có nghĩa là tòa soạn báo chí chuyên nghiệp đưa thông tin theo kiểu của báo, còn công chúng đưa thông tin lên website, blog, mạng xã hội theo kiểu của họ. Vậy “con át chủ bài” của báo chí chuyên nghiệp hiện nay là thông tin chính thống và độ tin cậy cao. Đây là yếu tố mang tính sống còn. Chúng ta yếu thế hơn các công ty truyền thông mạng ở thiết bị và công nghệ hiện đại nên chúng ta phải mạnh hơn truyền thông mạng ở điểm “cốt tử” là thông tin chính thống và độ tin cậy cao. Công chúng còn đón nhận, đọc báo của chúng ta, chính là họ tin ở chúng ta về điều này. Nếu chúng ta chủ quan hoặc chăm chăm chạy đua theo thời gian như truyền thông xã hội mà thiếu sự kiểm chứng kỹ càng, để đánh mất “con át chủ bài” của mình thì công chúng sẽ quay lưng với chúng ta ngay lập tức”.