Sau 42 năm thống nhất đất nước, hơn 30 năm đổi mới, TPHCM đã đạt rất nhiều thành tựu, trở thành đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hóa xã hội của cả nước.
Đồng hành cùng TP những năm qua, báo chí TP xứng đáng là một nền báo chí nhạy bén, năng động và giàu sức chiến đấu. Để đánh giá một cách sâu sắc hơn hoạt động của báo chí, buổi tọa đàm xoay quanh vai trò của báo chí trong xây dựng và phát triển TP, sức phản biện xã hội của báo chí, những thách thức của hoạt động báo chí hiện nay.
Đã có nhiều đánh giá chính thức về báo chí TPHCM, nhưng dưới góc độ cá nhân, Nhà báo Dương Trọng Dật - Nguyên Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng nhận định về những ưu điểm của báo chí TP: “Báo chí đã góp phần phản ánh sâu những vấn đề kinh tế - xã hội, đời sống lao động sáng tạo sôi động của TPHCM, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước. Tuyên truyền sâu về đường hướng phát triển TP, báo chí góp phần làm sáng tỏ những đường lối phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước. Báo chí TP chuyên chở những nguyện vọng lẫn bức xúc, là tiếng nói trung thực, luôn đồng hành và thực sự trở thành diễn đàn của nhân dân”.
Tham gia và chứng kiến nhiều hoạt động của báo chí, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải cho rằng thời gian qua báo chí TP đã đóng góp rất nhiều trong sự phát triển chung của TP.
Với ưu thế của từng loại hình báo chí, các cơ quan báo chí đã bám sát đối tượng độc giả để truyền tải thông tin kịp thời, chính xác; đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước cũng như phát hiện, cổ vũ nhiều mô hình hay, nhiều gương điển hình…
“Trong nhiều năm qua, mỗi tờ báo có mỗi thế mạnh, hoạt động khác nhau đóng góp cho sự phát triển của TP. Báo Tuổi trẻ có các chương trình ý nghĩ như Tiếp sức đến trường; Báo Sài Gòn Giải Phóng có chương trình học bổng Nguyễn Văn Hưởng, chương trình Nghĩa tình Trường Sơn; Báo Sài Gòn Tiếp Thị có chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao; Báo Người lao động có chương trình Mai vàng; Đài truyền hình TP có chương trình Ngôi nhà mơ ước…”, nhà báo Ngọc Hải chia sẻ.
Nhà báo Lê Hoàng - Nguyên Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng sự đóng góp lớn của báo chí là vì sự bền vững phát triển của TP, luôn đặt lợi ích của đất nước lên cao nhất.
“Báo chí vừa qua có nhiều chuyển biến tích cực, có công rất lớn trong vai trò phản biện xã hội. Vai trò phản biện được thể hiện ở nhiều khía cạnh. Nếu sắp có một chính sách được ban hành cần lấy ý kiến người dân, báo chí chính là đầu mối thu thập ý kiến của đội ngũ chuyên gia và phản ánh thực tiễn cuộc sống người dân góp phần xây dựng những chính sách hợp lý. Hoặc có những chính sách đã đi vào cuộc sống nhưng chưa hợp lý, báo chí đã lên tiếng, phản ánh kịp thời đề TP điều chỉnh các chính sách trong quá trình vận hành sao cho phù hợp với thực tế cuộc sống người dân…”, nhà báo Lê Hoàng nhận định.
Tuy nhiên, cũng theo nhà báo Lê Hoàng, báo chí hiện nay vấp phải nhiều khó khăn khi đấu tranh trên mặt trận thông tin vì đụng phải các lợi ích nhóm, có những hạn chế nhất định trong tác nghiệp đã cản trở sự phản biện… Do vậy, báo chí rất cần lãnh đạo TP cùng đồng hành, thấu hiểu để báo chí có được tiếng nói mạnh mẽ.
Đồng tình ở góc độ vai trò phản biện và sự đóng góp của báo chí, Nhà báo Phạm Trường, Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết: “Lâu nay nhiều người cứ nghĩ rằng Báo Đảng chỉ thiên về chính trị, người dân ít quan tâm. Nhưng tôi thấy báo Đảng ở TP đã đưa ý Đảng với lòng dân gặp nhau. Thực chất, báo chí trong xã hội có vai trò làm cho ý Đảng và lòng dân là một. Báo chí cũng nâng cao nhận thức của người dân, của lãnh đạo. Báo chí phản ánh trung thực hiện thực xã hội nhưng nếu chỉ phản ánh thôi mà không nâng cao nhận thức thì vẫn còn thiếu sót, cần phải nâng cao khả năng phản biện”.
“Trong bối cảnh hiện nay, báo chí phải thay đổi phương thức tiếp cận thông tin, tiếp cận bạn đọc mới đáp ứng kịp thời, sâu rộng vào việc xây dựng và phát triển TPHCM nói riêng, đất nước nói chung. Trong nhiệm vụ phản biện xã hội, báo chí cần đi nhiều hơn, sâu hơn, cụ thể hơn vào các chính sách kinh tế xã hội xem nó đã đi vào đời sống như thế nào, được người dân đón nhận ra sao? Báo chí phải gắn chặt với những vấn đề kinh tế xã hội nóng của TP để phản ánh những vấn đề người dân quan tâm đồng thời tìm tòi phát hiện những nhân tố mới trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những nhân tố có tính chất dự báo, có tính quy luật đặt lên bàn những nhà hoạch định chính sách giúp đưa ra những chính sách phù hợp với quy luật phát triển và đời sống thực tế, phản ánh những bức xúc của nhân dân về các vấn đề kinh tế xã hội của đất nước…”, nhà báo Dương Trọng Dật đúc kết.