Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã có những đóng góp to lớn. Đã có thế hệ những nhà báo - chiến sĩ sát cánh cùng quân dân ta nơi tuyến đầu chống giặc ngoại xâm, bất chấp mọi gian nguy, thử thách. Hơn 400 nhà báo đã hy sinh trên chiến trường.
Đồng hành cùng công cuộc đổi mới đất nước, báo chí là lực lượng xung kích trong việc tuyên truyền cổ vũ cho những nhân tố mới, cho quá trình hình thành và hoàn thiện đường lối đổi mới, cho phong trào hành động vì sự phát triển đất nước và hạnh phúc của nhân dân, vì sự hội nhập sâu rộng cùng thế giới và khát vọng hùng cường, thịnh vượng. Báo chí đã thể hiện sự tích cực trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và góp phần đắc lực vào việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, báo chí đã xông trận, góp phần tạo sự đồng thuận, đồng lòng, nhân lên những nghĩa cử nhân văn cao đẹp của con người Việt Nam.
Sài Gòn là thành phố đầu tiên của cả nước có báo chí và Gia Định báo là tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ra đời năm 1865. Đây là nơi có nhiều báo chí yêu nước và cách mạng hoạt động công khai giữa lòng địch, cổ vũ cho phong trào đấu tranh, có sự kiện “ký giả ăn mày” xuống đường biểu tình phản đối chế độ hà khắc với báo chí của chính quyền Sài Gòn, làm chấn động dư luận quốc tế trước năm 1975.
Sau ngày giải phóng, TPHCM là nơi có nhiều tờ báo và cơ quan đại diện báo chí trên địa bàn, hoạt động rất sôi động. Hiện nay, thành phố cũng là nơi có lực lượng báo chí khá mạnh trong tổng số hơn 982 cơ quan báo chí, gần 1.500 ấn phẩm báo chí ở các loại hình và 19.000 người được cấp thẻ nhà báo trên phạm vi cả nước. Báo chí TPHCM đã tiếp tục khẳng định bản sắc báo chí Sài Gòn - Gia Định - TPHCM giàu tính chiến đấu, tính phản biện, xây dựng, nhân văn và không ngừng đổi mới. Nơi đây, người dân có thói quen đọc báo, thể hiện sự khát khao, tìm tòi khám phá thế giới xung quanh.
Trong thời đại “bùng nổ thông tin” và sự phát triển của truyền thông đa phương tiện, báo chí đã gắn với truyền thông, tìm phương thức để tồn tại, phát triển. Một trong những thách thức đối với người làm báo là có thu hút, đáp ứng được sự quan tâm của công chúng hay không, khi mà việc cung cấp thông tin đòi hỏi phải chính xác, hay, nhanh nhạy và kịp thời.
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học - công nghệ, việc tiếp cận thông tin nhanh hơn, dễ dàng hơn nhưng cũng khó khăn hơn khi có nhiều thông tin bị nhiễu loạn, thật - giả lẫn lộn trên mạng xã hội. Trong thực tế, không ít người rơi vào tình trạng dễ bị tác động, dễ tin vào những điều không thật. Tình trạng “thương mại hóa” báo chí vẫn đang là vấn đề đặt ra, gây bức xúc.
Trên mặt báo, trang tin điện tử hàng ngày vẫn còn nhiều tin, bài phản ánh tiêu cực, mặt trái xã hội, giựt gân, câu khách, lăng xê kiểu sống không phù hợp với thuần phong mỹ tục, gây phản cảm, bất lợi cho sự phát triển văn hóa, con người. Tin bài về người tốt, việc tốt, cái hay, cái đẹp, phản ánh chân giá trị cuộc sống, tỷ lệ có nâng lên nhưng chưa nhiều và chưa sâu sắc.
Vấn đề đặt ra đối với báo chí là làm thế nào để cung cấp thông tin chính thống trên các lĩnh vực, giúp người đọc, người xem, người nghe có thêm kiến thức, vốn sống, năng lượng tích cực và chia sẻ được những vấn đề quan tâm. Để chống lại tin giả thì phải có tin thật, tin từ nguồn, từ gốc, tin có kiểm chứng. Tính chân thật là đặc trưng của báo chí, là yêu cầu sống còn của nền báo chí chúng ta. Để làm tốt yêu cầu này, người làm báo cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chính trị, chuyên môn, văn hóa nền, sự am hiểu thời cuộc, gắn bó với thực tiễn, hiện trường, có tinh thần lắng nghe, cầu thị…
Báo chí không nặng đưa tin một chiều hay phê phán mà còn có sự phản hồi, đối thoại với tinh thần xây dựng, làm tốt vai trò cầu nối, diễn đàn của nhân dân. Cần có nhiều hơn những đề xuất giải pháp cho những vấn đề đang đặt ra, cho những bài toán khó với các cấp có thẩm quyền.
Giữa biết bao những bộn bề, lo toan trong cuộc sống, trong một thế giới tràn ngập thông tin, báo chí, truyền thông chân chính sẽ là người bạn lớn, bạn tốt, giúp công chúng có những thông tin mà họ đang cần, giúp họ phân biệt đúng sai, thật giả, bản lĩnh hơn, thông minh hơn trong xử lý những vấn đề của cuộc sống, không ngừng vươn lên, tự hoàn thiện mình và đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, có cơ chế, chính sách phù hợp đối với hoạt động báo chí trong tình hình mới, tăng cường cung cấp thông tin chính thống, kịp thời. Người lãnh đạo, người phát ngôn tạo điều kiện thông tin cho báo chí những tin tức cần thiết, liên quan. Không để xảy ra tình trạng khủng hoảng truyền thông trước những sự kiện, vấn đề xảy ra trong cuộc sống được người dân quan tâm.
Trước đòi hỏi của công chúng, trong môi trường truyền thông số, báo chí nước nhà, báo chí thành phố sẽ phát triển mạnh mẽ, làm tốt trách nhiệm lớn lao được nhân dân giao phó, đáp ứng quyền được thông tin của nhân dân. Báo chí luôn là công cụ phục vụ đắc lực cho mục tiêu cao cả, nhân văn hơn, nhiều giải pháp thiết thực hơn, truyền cảm hứng sáng tạo và vun đắp niềm tin cho người dân.
Nghề báo vất vả, hiểm nguy nhưng vinh quang và cao cả, với sản phẩm báo chí, truyền thông, góp phần giữ vững ổn định và thúc đẩy sự phát triển đất nước, góp phần xây dựng văn hóa, con người. Hơn ai hết, những người làm báo chân chính luôn biết tự đòi hỏi và không ngừng phấn đấu, vượt qua những hạn chế, những cám dỗ, vươn lên đáp ứng sự đòi hỏi của công chúng, của nghề nghiệp trong điều kiện mới. Chúng ta có quyền kỳ vọng, có sự tin yêu, có nhiều gửi gắm và chia sẻ cùng nhà báo nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.