Vẫn loay hoay trong khó khăn
* PHÓNG VIÊN: Khi viết về những định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyển đổi số đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, đồng nghiệp chia sẻ với chúng tôi rằng, từng vấn đề, thông điệp đang đặt ra rất nhiều nội hàm mới mẻ, nóng hổi, thôi thúc báo chí hành động. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, báo chí đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
* TS NGUYỄN THANH HÒA: Trong mỗi thông điệp, đều nêu cao trách nhiệm của báo chí trước thời đại số. Nhìn lại mình, báo chí cũng cần và phải thấy, phải tự đổi mới cho một kỷ nguyên mới.
Làm sao có thể ngồi yên, khi ngoài kia là sự sôi động của truyền thông mạng xã hội, bên trong này là những khó khăn của cơ chế, khuôn mẫu, hình thức, văn hóa bao cấp vẫn còn đeo đẳng một số tòa soạn đến mức có người gọi là "báo chí mậu dịch". Ở chiều ngược lại, lại có ý kiến nhận xét, cơ quan báo này, báo khác lại thị trường đến mức hơn cả thị trường.
* Hiện nay, nguồn thu từ quảng cáo bị hút về các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã và đang làm cạn kiệt nguồn thu của báo chí. Ông nhìn nhận ra sao về thực trạng này và đâu là giải pháp?
* TS NGUYỄN THANH HÒA: Công nghệ số đã đảo chiều các nguồn thu của báo chí trong nước. Nếu như trước đây, nguồn thu từ quảng cáo chiếm hơn 70% doanh thu cơ quan báo chí thì nay có thể rơi xuống mức 30%. Sự tham gia của các nền tảng nội dung xuyên biên giới như Netflix, TikTok, YouTube cũng dịch chuyển thói quen tiếp cận thông tin, giải trí của thế hệ trẻ, đi cùng với đó là dòng doanh thu từ đăng ký tài khoản (subscription).
Các khoản thu khác như mua bán, trao đổi chương trình, tài trợ sự kiện truyền thông, đặt hàng của chính quyền cũng chỉ đóng góp một phần cho doanh thu chung. Nếu không nhờ nguồn lực tích lũy trong thời gian trước đây, cũng như việc cho thuê những mặt bằng hiện có, cơ quan báo chí sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa.
Các nền tảng số góp phần tạo ra doanh thu nhưng với điều kiện phải có chiến lược đúng. Nếu không, cơ quan báo chí sẽ rơi vào tình trạng dàn trải, mất nguồn lực mà doanh thu không được bao nhiêu.
Các chiến lược nội dung đa nền tảng khuyến khích cơ quan báo chí nghiên cứu về những “điểm chạm” với công chúng và “loại hình truyền thông” để thu hút sự chú ý và tạo ra tương tác. Cơ chế gợi ý nội dung của từng nền tảng cần được cân nhắc như một yếu tố quan trọng.
Sự kết hợp giữa nội dung số, nền tảng số, và các thuật toán gợi ý làm thay đổi cấu trúc nghề báo. Tự động hóa chen vào quy trình thu thập thông tin và phân tích dữ liệu làm cho người làm báo có nguy cơ mất việc ở một số khâu nhất định. Trong khi đó, các nền tảng số ưu tiên doanh thu của chính họ, vì vậy, chiến lược nền tảng cần gắn với chiến lược kinh doanh.
* Theo ông, cơ quan báo chí cần tìm lối ra cho mình thông qua các thị trường ngách nào?
* TS NGUYỄN THANH HÒA: Tôi cho rằng, đó là các hợp đồng đào tạo, thực tập, hợp tác với các khoa báo chí vốn rất đông đảo sinh viên. Bên cạnh đó, báo chí cần phân tích dữ liệu để biết độc giả, khán thính giả của mình là ai, phân khúc ra sao và nội dung gì mang lại doanh thu lớn nhất. Chiến lược quảng cáo hướng đến các khách hàng lớn so với quảng cáo hướng đến cá nhân hóa đỉnh cao, hiệu quả ra sao, chắc không khó để trả lời.
Xây dựng chiến lược nội dung trong thời đại số
* Vậy giải pháp nào là khả dĩ phù hợp với phương thức sản xuất mới mà báo chí cần phải có trong giai đoạn cách mạng mới, theo ông?
* TS NGUYỄN THANH HÒA: Tôi cho rằng, trước tiên, cần nhìn vào chiến lược nội dung. Chiến lược nội dung bắt đầu bằng góc nhìn vào đề tài, các yếu tố khác của thông tin sẽ tự nó xuất hiện trong quá trình lao động của phóng viên.
Từng câu, từng chữ nếu không chứa đựng hình bóng nhân vật, dữ kiện, nút thắt thì không thể có tính cá nhân hóa và tính xác thực. Bố cục bài viết không bao hàm các giá trị thời sự, tác động, bất ngờ, gần gũi, nổi bật thì cũng khó mà thu hút sự chú ý của công chúng báo chí đang ngày càng khó tính hơn.
Công cụ sản xuất mới bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud computing), ứng dụng số cộng với dữ liệu dưới hình thức là một tư liệu sản xuất quan trọng đã thực sự thay đổi quá trình sản xuất nội dung của các cơ quan báo chí. Do đó, nhà báo và cơ quan báo chí buộc phải tư duy lại vai trò và mục tiêu của chính mình.
* Trong bất cứ ngành nào, để đi đến thành công thì yếu tố con người là cực kỳ quan trọng. Vậy yêu cầu đối với đội ngũ người làm báo trong bối cảnh thời đại số này ra sao, thưa ông?
* TS NGUYỄN THANH HÒA: Đã đến lúc, cần nhìn lại lực lượng làm báo để tối ưu hóa quy trình sản xuất theo hướng hiện đại, tinh, gọn, mạnh, phù hợp. Yếu tố quan trọng bậc nhất của báo chí giai đoạn mới, chính là con người. Có người làm báo giỏi thì mới có bài báo hay. Có chuyên gia giỏi thì nội dung mới có chiều sâu.
Cần có những nhà báo am hiểu lĩnh vực và chuyên sâu về công nghệ, để có thể kết hợp, sáng tạo nội dung một cách xuất sắc. Phần công nghệ số như một lực lượng sản xuất mới, như đã bàn ở trên, đã sẵn có với rất nhiều chọn lựa.
Ứng dụng số, công nghiệp nội dung hôm nay luôn hướng đến sự xuất sắc. Những gì thuộc về đại khái, đại thể, đại trà khó có chỗ đứng trong tư duy quản trị mới. Vậy thì trước yêu cầu phải xây dựng niềm tin và cảm hứng sáng tạo cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, báo chí cần tận dụng sức mạnh của nội dung và độ phủ nhờ vào công nghệ mới một cách xuất sắc, thuyết phục nhất.
Bản thân báo chí phải là người kể những câu chuyện hay cho chính mình thì mới có thể kể những câu chuyện hay cho công nghiệp văn hóa và các vấn đề thiết thân giữa đời sống và chính sách, giữa trách nhiệm và quyền lợi của người làm báo.
Cơ hội cho báo chí, soi dưới lăng kính của kỷ nguyên mới bao hàm nhiều kỳ vọng và trách nhiệm. Thấy được chính mình trong các chính sách và hướng phát triển mới, chính là bước đầu tiên báo chí có thể đổi mới và tự cường.
Nguồn thu từ quảng cáo sụt giảm nghiêm trọng
Theo báo cáo của Bộ TT-TT, năm 2022, tổng doanh thu của cơ quan báo và tạp chí toàn quốc là 9.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ quảng cáo, phát hành là 4.700 tỷ đồng. Đến năm 2023, tổng doanh thu giảm còn 8.600 tỷ đồng, giảm 9,4% so với năm trước, trong đó quảng cáo giảm 14,8%. Các đài phát thanh - truyền hình có doanh thu hơn 15.158 tỷ đồng trong năm 2022, đến năm 2023 giảm còn 11.939 tỷ đồng, giảm gần 23% so với năm 2022.
Bộ TT-TT đánh giá, nguồn thu từ phát hành báo chí, nhất là báo in đang ngày càng giảm. Doanh thu từ quảng cáo sụt giảm nghiêm trọng do các cơ quan báo chí phải cạnh tranh với nguồn thông tin khổng lồ trên không gian mạng, gần 80% quảng cáo trực tuyến chảy vào các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.