Báo chí cung cấp gần 1.200 thông tin phản ánh theo Quy định 1374

Tại tọa đàm, Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong khẳng định, việc "tiếp nhận" thông tin, phản ánh của người dân, dư luận được Báo SGGP thực hiện một cách linh hoạt, đa dạng từ nhiều kênh, bằng nhiều hình thức (trong đó có qua mạng xã hội), chứ không chỉ thụ động chờ bạn đọc phản ánh (điện thoại, thư từ).

Ngày 28-2, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM tổ chức tọa đàm “Tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông góp phần thực hiện hiệu quả Quy định 1374-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM”. Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM đến dự.

Các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM chủ trì tọa đàm.

Quang cảnh buổi toạ đàm

Quang cảnh buổi toạ đàm

Cơ quan báo chí góp phần thực hiện hiệu quả Quy định 1374

Báo cáo đề dẫn tọa đàm, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh, Quy định 1374 đã hình thành cơ chế yêu cầu các đơn vị phải thực hiện nghiêm việc giải quyết thông tin báo chí phản ánh, làm rõ đúng sai và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm. Quy định cũng đã chỉ rõ thông tin phản ánh được xác định là có cơ sở theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để xem xét, xử lý từ 4 nguồn, trong đó nguồn thứ 4 là phản ánh của báo chí.

Qua tổng hợp kết quả thực hiện Quy định 1374 cho thấy thông tin phản ánh từ cơ quan báo chí rất nhiều; toàn thành phố tiếp nhận 9.864 thông tin, trong đó thông tin từ báo chí chiếm 12,15% (gần 1.200 thông tin). Qua xử lý thông tin phản ánh của báo chí, các cấp ủy đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định, quy chế cho phù hợp với thực tiễn.

“Công tác tuyên truyền Quy định 1374 luôn được các cơ quan báo chí thành phố quan tâm, có nhiều phương pháp thực hiện tốt, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Phản ánh của báo chí đi vào nhiều lĩnh vực, nhất là phản ánh về công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, thậm chí sai phạm của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ. Ngoài ra, các cơ quan báo chí còn đề xuất các giải pháp để các cơ quan ra quy chế phối hợp kịp thời, hạn chế khuyết điểm", đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh.

Đồng chí lưu ý, các cơ quan báo chí cũng còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót trong quá trình thông tin. Có lúc còn thiếu bám sát nội dung chỉ đạo của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí của Trung ương và thành phố dẫn đến việc đăng phát thông tin thiếu chính xác, gây hiệu ứng tiêu cực trong xã hội. Còn tình trạng một số cơ quan báo chí, tạp chí điện tử của các cơ quan trung ương đăng tin bài chưa chính xác, thiếu kiểm chứng nguồn tin, đưa một chiều theo ý kiến chủ quan của một vài cá nhân… đã gây ảnh hưởng đến uy tín cơ quan, cá nhân.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM yêu cầu tọa đàm tập trung vào tính cấp thiết và ý nghĩa thực tiễn việc ban hành Quy định số 1374. Việc phát huy Quy định 1374 ở vai trò giám sát và tiếng nói của cử tri; của các cơ quan dân cử; của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân; của báo chí, nhằm góp phần nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Qua đó phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê cũng gợi mở nhiều nội dung để các cơ quan báo chí, truyền thông thảo luận; kiến nghị, đề xuất các giải pháp để công tác tuyên truyền về việc thực hiện Quy định 1374 hiệu quả hơn.

Báo SGGP kiến nghị kịp cung cấp thông tin về kết quả xử lý sai phạm

Chia sẻ tại tọa đàm, Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong cho biết, từ khi Quy định 1374 được ban hành, Báo SGGP đã dành thời lượng đáng kể để tuyên truyền. Báo SGGP tổ chức nhiều tin bài tuyên truyền, thông tin về các nội dung của Quy định 1374; kế hoạch, quá trình tổ chức triển khai thực hiện cùng kết quả thực hiện Quy định 1374 của các cấp ủy thuộc Thành ủy TPHCM cũng như kết quả xử lý, công tác giám sát việc thực hiện Quy định 1374 từ Tổ Công tác 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.

Báo SGGP cũng thực hiện đa dạng hình thức, nội dung thiết thực để tuyên truyền Quy định 1374, kết quả thực hiện Quy định 1374, góp phần phát hiện, phê phán, lên án những tổ chức, cá nhân có biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng thời, tạo nên những áp lực đủ mạnh để các cơ quan, tổ chức chủ động, tích cực hơn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đặc biệt là các bài viết đi sâu vào quá trình thực hiện Quy định 1374 đã thúc đẩy giải quyết sớm, đến nơi đến chốn nhiều vụ việc, vấn đề cụ thể của người dân, góp phần củng cố niềm tin của người dân. Như bài “Tiếp nhận phản ánh sai phạm của đảng viên qua 4 nguồn: Làm nghiêm túc, kết quả tích cực”; vệt bài “Liệu pháp “đặc trị” giải quyết khiếu nại kéo dài”, bài “Dùng phần mềm để chỉ đạo, xử lý 4 nguồn thông tin về đảng viên”; bài “TPHCM xây dựng, chỉnh đốn Đảng bằng cơ chế sáng tạo”…

Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong nêu ý kiến tại tọa đàm

Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong nêu ý kiến tại tọa đàm

Nhà báo Tăng Hữu Phong khẳng định, việc "tiếp nhận" thông tin, phản ánh của người dân, dư luận được Báo SGGP thực hiện một cách linh hoạt, đa dạng từ nhiều kênh, bằng nhiều hình thức (trong đó có qua mạng xã hội), chứ không chỉ thụ động chờ bạn đọc phản ánh (điện thoại, thư từ).

Tại tọa đàm, nhà báo Tăng Hữu Phong cũng nêu một số khó khăn trong quá trình tuyên truyền Quy định 1374. Cụ thể, Quy định 1374 yêu cầu, đối với nguồn tin qua báo chí, trong 10 ngày làm việc, kể từ khi có thông tin phản ánh, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cá nhân có thông tin phản ánh phải giải trình. Báo cáo giải trình phải nêu nội dung vụ việc; tính chất, mức độ, tác hại; xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan và đề xuất phương án giải quyết.

Kế đó, trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình, văn phòng cấp ủy báo cáo, đề xuất Thường trực cấp ủy hình thức, phương thức xem xét, xử lý. Tiếp theo, trong vòng 10 ngày làm việc, Ban Thường vụ cấp ủy quyết định chỉ đạo việc xem xét, xử lý. Quy định 1374 nêu: “Đối với các hành vi vi phạm đã rõ, trong thời gian không quá 45 ngày làm việc, Ban Thường vụ cấp ủy chỉ đạo xem xét, kỷ luật về mặt Đảng, chính quyền và đoàn thể”.

"Về hình thức xử lý, kết quả xử lý các hành vi vi phạm cần có thêm thời gian xem xét, nhưng kể từ khi báo chí phản ánh, theo Quy định 1374, trong vòng 10 ngày báo chí thông tin, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cá nhân có thông tin phản ánh phải giải trình. Trên thực tế thời hạn này không được đảm bảo. Do đó, thời gian tới, đề xuất các cơ quan có liên quan cần tăng cường thực hiện và duy trì cung cấp thông tin kịp thời kết quả chỉ đạo xử lý và chỉ đạo cấp ủy các địa phương, đơn vị nhanh chóng cung cấp thông tin kết quả xử lý sai phạm nếu có", nhà báo Tăng Hữu Phong kiến nghị.

Tin cùng chuyên mục