Báo chí có vai trò lớn trong phát hiện, đấu tranh phòng chống tham nhũng

Tối 15-8, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí” lần thứ hai, năm 2018 - 2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao giải A cho các tác giả. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao giải A cho các tác giả. Ảnh: TTXVN

Tham dự lễ trao giải có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng đông đảo đại diện các ban bộ ngành trung ương và địa phương.

Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí” lần thứ hai, năm 2018 - 2019 được phát động từ năm 2017. Tính đến hết ngày 21-6-2019, Ban Tổ chức nhận được 1.002 tác phẩm hợp lệ của trên 100 cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương. Hội đồng chung khảo đã chọn được 35 tác phẩm xuất sắc để trao 4 giải A, 9 giải B, 10 giải C và 12 giải khuyến khích. Trong đó, loạt 4 bài Sóng ngầm ở Côn Đảo của nhóm tác giả Trần Văn Phong, Nguyễn Văn Nhang, Báo Sài Gòn Giải Phóng đoạt giải C. Tại lễ trao giải, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo giải, đã phát động giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí” lần thứ 3.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao giải C cho các tác giả. Ảnh: TTXVN
Phát biểu tại lễ trao giải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, công tác đấu tranh PCTN, lãng phí được đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn và đạt những kết quả toàn diện, để lại dấu ấn đậm nét. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Đặc biệt, đã xử lý quyết liệt, nghiêm minh nhiều tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên sai phạm, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang, cán bộ đương chức và nghỉ hưu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật bất kể người vi phạm là ai. “Có được những kết quả nêu trên phải kể đến vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, cơ quan báo chí, đặc biệt là những người làm báo. Các cơ quan truyền thông, báo chí đã có nhiều tin, bài phản ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm, được nhân dân quan tâm; đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”, Thủ tướng nhấn mạnh. Chúc mừng các tác giả đoạt giải, Thủ tướng cho rằng, trong cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tin tưởng, kỳ vọng và đánh giá cao vai trò của báo chí. Quan trọng và cam go nhất trong đấu tranh PCTN, lãng phí là trên mặt trận tư tưởng. Đây chính là nhiệm vụ lớn đặt ra với các cơ quan báo chí, những người làm báo.


Để phát huy những kết quả đã đạt được, góp phần tích cực hơn nữa trong đấu tranh PCTN, lãng phí, trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa MTTQ với Hội nhà báo, các cơ quan báo chí trong tuyên truyền về công tác đấu tranh PCTN, lãng phí và các hoạt động giám sát, phản biện, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ các cấp. Có cơ chế phối hợp giữa MTTQ các cấp, cơ quan báo chí, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các bộ ngành liên quan… để giải quyết, xử lý những vụ việc do nhân dân, do báo chí phát hiện, phản ánh. Cùng với đó, phát huy mạnh mẽ vai trò và trách nhiệm của báo chí, coi trọng tính khách quan, chân thực, tính chuyên nghiệp trong khai thác và xử lý thông tin về tham nhũng, lãng phí. Chú trọng phát hiện những sơ hở về thể chế pháp luật, cơ chế chính sách có thể tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực và lạm dụng chức quyền. Bên cạnh việc đưa tin các vụ án, vụ việc lớn, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, báo chí cũng phải phản ánh về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, cửa quyền, “tham nhũng vặt” xảy ra, gây không ít phiền hà, bức xúc đối với đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

Tin cùng chuyên mục