Hiện nay cả nước có 849 cơ quan báo, tạp chí in; 195 cơ quan báo chí điện tử đã được cấp phép; 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình. Dự kiến trong thời gian tới, số lượng các thuê bao truyền hình trả tiền sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng có xu hướng chuyển dịch từ truyền hình trả tiền truyền thống (cáp, kỹ thuật số mặt đất, vệ tinh) sang loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet.
Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2017, đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận xét: Năm 2017 báo chí cơ bản đã bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, củng cố và tăng cường sự thống nhất ý chí trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần tạo động lực tinh thần để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Đặc biệt, báo chí đã tuyên truyền hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Cùng với hệ thống cơ quan báo chí điện tử, nhiều trang thông tin điện tử được cấp phép đã làm tốt vai trò là kênh thông tin nối dài, kịp thời và chuyên sâu về nhóm vấn đề, lĩnh vực, góp phần lan tỏa thông tin chính thống, tương tác ý kiến nhiều chiều, thỏa mãn nhu cầu thông tin nhanh, đa dạng của đông đảo công chúng.
Lo ngại tình trạng “đánh hội đồng”
Tuy nhiên, hoạt động báo chí vẫn còn tồn tại những khuyết điểm, hạn chế. Cụ thể: Thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ đã được quy định trong giấy phép vẫn tiếp diễn; tình trạng thông tin phản cảm, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, giật gân câu khách về những vụ việc liên quan đến người nổi tiếng hoặc miêu tả các hành vi tội ác, các vụ án với nhiều chi tiết tỉ mỉ, rùng rợn vẫn tiếp diễn, gây phản cảm đối với người đọc.
Ngoài ra, thông tin trên báo chí trong một số trường hợp còn chậm hơn so với tình hình diễn biến thực tế nên chưa thực hiện, phát huy được vai trò định hướng của cơ quan báo chí; vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, bản quyền trong lĩnh vực báo chí vẫn tiếp tục gia tăng và xảy ra chủ yếu đối với báo điện tử, báo hình.
Đáng lo ngại là tình trạng “đánh hội đồng”, kết án vụ việc, hiện tượng mà không cần xem xét đến các quy định của pháp luật, các kết luận của cơ quan chức năng. Tình trạng “suy đoán có tội” phát triển trong báo chí hiện nay gây thiệt hại rất lớn đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, làm giảm lòng tin của công chúng và của chính quyền các cấp vào báo chí. Nhiều trường hợp phóng viên chỉ soi mói, tìm những sơ hở, hạn chế của tổ chức, của doanh nghiệp, của địa phương để gây áp lực với động cơ không lành mạnh. Thậm chí có tình trạng phóng viên liên kết thành những “liên minh báo chí”, tổ chức theo nhóm lấy danh nghĩa cùng đi tác nghiệp nhằm sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp theo kiểu ép ký hợp đồng quảng cáo, hợp tác truyền thông và gỡ, sửa bài sau khi đăng một cách tùy tiện, vụ lợi…
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nêu 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần triển khai thực hiện trong năm 2018. Bao gồm: phát huy vai trò đi đầu của báo chí trong đấu tranh phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống các xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”trong nội bộ; khắc phục khuynh hướng xa rời tôn chỉ mục đích, đăng quá nhiều thông tin có nội dung tiêu cực, về mặt trái của xã hội, phản cảm, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, giật gân, câu khách; nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả và đúng các quy định của Luật Báo chí 2016, 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; tạo cơ chế để thúc đẩy kinh tế báo chí; chủ động phối hợp, cung cấp thông tin tích cực trên mạng xã hội và trên môi trường Internet, nhằm tạo ra sự cộng hưởng tốt với thông tin trên báo chí…
Phối hợp trong quản lý hoạt động báo chí
Phát biểu ý kiến về công tác quản lý văn phòng đại diện, hoạt động của phóng viên thường trú trên địa bàn TPHCM, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Võ Văn Long nêu con số: TPHCM có 38 cơ quan báo chí và 142 văn phòng đại diện của cơ quan báo chí đăng ký hoạt động tại TP. Những năm qua, các văn phòng đại diện đã đóng góp rất tích cực; góp phần đưa thông tin kịp thời, phù hợp, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung và của TPHCM nói riêng, giúp nhân dân TP hiểu sâu, hiểu rộng những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, từ đó vững tin cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng mà thành phố đề ra. Tuy nhiên, trong hoạt động của các văn phòng đại diện cơ quan báo chí vẫn còn tồn tại thông tin không chuẩn mực, thiếu chính xác hoặc không phù hợp với lợi ích của dân tộc, của đất nước.
Nguyên nhân dẫn đến tồn tại này là do cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, thậm chí giao khoán hoạt động và tài chính. Điểm khó khăn là theo quy định của pháp luật, khi phát hiện những sai phạm, sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố chỉ có thể phản ánh với Thanh tra và Cục Báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan chủ quản chứ không thể xử lý nên vẫn chưa thể xử lý triệt để vi phạm.
Từ thực tế trên, để tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với văn phòng đại diện, hoạt động của phóng viên thường trú, ông Long đề xuất: cơ quan chủ quản cần quan tâm đối với cơ quan báo chí, và cơ quan báo chí cần quan tâm đến văn phòng đại diện cả về giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp; cơ quan chủ quản tăng cường phối hợp sở Thông tin và Truyền thông địa phương trong công tác quản lý; Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra các văn phòng đại diện của cơ quan báo chí, kịp thời xử lý vi phạm; lãnh đạo Bộ Thông tin – Truyền thông giao cho thanh tra của bộ xem xét các quy định pháp luật hiện hành để ủy nhiệm cho các sở Thông tin – Truyền thông được phép xử lý những vi phạm xảy ra trên địa bàn.
Trình bày tham luận về “cuộc chiến” chống lại tin giả (fake news) và trách nhiệm xã hội của báo chí, ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc TTXVN, nêu ra thực tế: “Chúng ta đang sống trong một thế giới mà một người đàn ông từ bang North Carolina của nước Mỹ chỉ nghe theo cái thuyết âm mưu vô căn cứ đã phóng xe tới tận một cửa hàng pizza ở thủ đô Washington D.C. với một khẩu súng trường đề tự điều tra về vụ mà ông ta tin là đường dây buôn bán trẻ em liên quan đến bà Hillary Clinton. Tin giả suýt nữa gây ra khủng hoảng ngoại giao giữa Nga và Đức, và vì đọc nhầm tin giả, một bộ trưởng Pakistan đã đe dọa sử dụng hạt nhân với Israel. Đó là một thế giới mà những hoang tin có thể dẫn đến các thảm kịch trong đời sống dễ dàng lan truyền với tốc độ chóng mặt từ người này sang người khác thông qua các phần mềm chat hoặc các mạng xã hội. Fake news thậm chí thu hút sự quan tâm nhiều hơn thông tin chính thống”.
Ở Việt Nam, ban đầu tin giả chỉ dừng ở một vài đường dẫn website ca ngợi ông bà lang dân tộc này, loại biệt dược nọ, gắn với ca sỹ A, người nổi tiếng B để vờ là người dùng uy tín. Rồi đến những dòng trạng thái trên mạng xã hội nói chuyện ô nhiễm tại một địa phương trong nước nhưng dùng hình ảnh tận bên kia địa cầu, xảy ra từ lâu trong quá khứ; video một đoàn xe nào đó nhưng gán câu chuyện về lãnh đạo cao cấp của nhà nước. Một bức hình của quan chức cao cấp được gắn với một phát ngôn gây sốc rất nhanh chóng phủ kín Facebook để rồi nhân vật trong hình nhận đủ loại “gạch đá” mà không một ai quan tâm xem nội dung đó có bị xuyên tạc hay không. Đã có một số trường hợp đăng tải nội dung bịa đặt bị xử phạt, nhưng dường như tình hình đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Nhiều nhà báo vô tình chia sẻ các tin giả hoặc tin không rõ nguồn gốc, và góp phần phát tán những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc thậm chí sai lệch đó.
Từ thực tế sự tràn lan của fake news trên toàn cầu, ông Minh cho rằng báo chí cần phải kết nối với độc giả, khán thính giả một cách hiệu quả hơn. Các tòa soạn cần phải đầu tư nhiều hơn vào nội dung chất lượng cao, cần có những hành động để đối phó với những nội dung kích động thù hận, phân biệt chủng tộc, hoang tin, thông tin bóp méo sự thật gây phương hại cho các cá nhân, tổ chức, quốc gia; cần dành nhiều nguồn lực hơn cho báo chí điều tra, gắn chặt hơn với những giá trị đạo đức trong việc quản lý và quản trị truyền thông; đồng thời có các biện pháp nâng cao nhận thức cho công chúng nói chung về tin giả. Một điều quan trọng là cần xây dựng những liên minh báo chí để bảo vệ bản quyền, tìm kiếm những mô hình kinh doanh bền vững và quan trọng hơn là để đối phó với tình trạng fake news.
Nâng cao trình độ chính trị cho người làm báo
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá công tác báo chí có sự chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng toàn diện; công tác quản lý Nhà nước về công tác báo chí có tiến bộ. Chất lượng, uy tín giải báo chí quốc gia được nâng cao, hình thành các giải thưởng báo chí tạo được sự quan tâm của dư lận xã hội. Chất lượng, hiệu quả thông tin tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; nhất là trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia…
Những kết quả quan trọng và khá toàn diện nêu trên thể hiện tinh thần trách nhiệm chính trị, sự nỗ lực sáng tạo rất đáng ghi nhận của đội ngũ những người làm công tác báo chí trong cả nước. Các nhà báo đã không ngại khó khăn, có mặt ở nơi đầu sóng ngọn gió, ở những nơi khó khăn gian khổ nhất để kịp thời phản ánh, đưa tin về những sự kiện quan trọng của đất nước. Có nhà báo đã hy sinh mạng sống, vượt qua sự đe dọa của thế lực xấu, sự đối xử không công bằng của cơ quan chức năng, trong đó thậm chí có cả sự đố kỵ của chính cơ quan báo chí để làm tròn sứ mệnh của người làm báo chân chính. Một số hạn chế thiếu sót gây ảnh hưởng đến uy tin báo chí cần sớm được khắc phục.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chỉ đạo trong năm 2018, báo chí tiếp tục thông tin tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của năm gắn với nhiệm vụ cả nhiệm kỳ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các Nghị quyết của trung ương trên tất cả các mặt, trong đó về xây dựng Đảng tập trung tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng để đấu tranh, phòng chống, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống,“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; biểu dương cổ vũ, lan tỏa những điển hình tiên tiến, những giá trị tốt đẹp, phản ánh bất cập thiếu sót trong quản lý, lãnh đạo, điều hành của các ngành địa phương với tinh thần trách nhiệm xây dựng, đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, cái xấu, cái ác; phê phán, phản bác thông tin sai trái.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác chỉ đạo nội dung thông tin phải theo hướng chủ động nhạy bén, kịp thời vững nguyên tắc một đầu mối thông tin. Chất lượng thông tin tốt luôn luôn sẽ mang thông tin, nhận thức tốt cho người đọc, người xem. Đồng chí cho rằng: “Trong công tác thông tin tuyên truyền đòi hỏi có sự tự tin rất lớn, tự tin về đường lối, tự tin với lý tưởng, tự tin với chỉ đạo trong thực hiện các các Nghị quyết của trung ương để làm”.
Để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý nhà nước về báo chí, trong đó có vai trò của cơ quan chủ quản, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu trong năm 2018 cần tập trung thanh tra, giám sát, kiểm tra tôn chỉ mục đích hoạt động của các cơ quan báo chí; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong lĩnh vực báo chí; phấn đấu triển khai quy hoạch báo chí. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch đào tạo cán bộ, bồi dưỡng với các phóng viên cần được các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản quan tâm hơn nữa để hoạt động báo chí đáp ứng yêu cầu truyền thông trong môi trường phát triển liên tục như hiện nay. Đồng thời phải nâng cao trách nhiệm các tổng biên tập, tòa soạn trong rút tít, đặt bài bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của phóng viên.
Các cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 55 trường hợp với tổng số tiền xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng; ban hành quyết định thu hồi 1 giấy phép hoạt động báo chí, 1 giấy phép chuyên trang điện tử, 1 giấy phép chuyên trang báo điện tử, đình bản tạm thời đối với 5 trường hợp do có sai phạm trong hoạt động báo chí.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành các quyết định thu hồi Thẻ nhà báo đối với 12 nhà báo do có sai phạm và bị xử lý kỷ luật, Hội Nhà báo Việt Nam đã xóa tên 324 hội viên vì những lý do khác nhau, trong đó có những hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, pháp luật.