Chiều 11-5, tại Văn phòng Bộ VH-TT&DL TP Đà Nẵng, Đoàn Công tác của Tổng cục Du lịch do ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch đã có buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng để trao đổi, giải quyết các nội dung liên quan theo kiến nghị của Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng về quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đến dự buổi làm việc này với Tổng cục Du lịch có ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội và các Phó Chủ tịch Hiệp hội gồm các ông Trần Chí Cường, ông Lê Vinh Quang và Trịnh Bằng Có.
Vào lúc 15 giờ 30 phút, quan tâm đến buổi làm việc, khoảng 40 phóng viên của các cơ quan báo chí đến xin được tham dự nhưng nhân viên bảo vệ toà nhà không cho phép, mặc dù ông Huỳnh Tấn Vinh có lời đề nghị.
Trao đổi với phóng viên các báo trước khi vào cuộc họp, ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết, tại buổi làm việc này, ông sẽ đề nghị Tổng cục Du lịch xem xét lại quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như các kiến nghị gửi Thủ tướng trước đó.
Theo ông Vinh, cho đến nay, đã có hơn 11.700 người ký tên đồng thuận với kiến nghị. Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng và Hiệp hội Nữ doanh nhân TP Đà Nẵng cũng đã ủng hộ nội dung kiến nghị này. Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng không có ý kiến gì khác và mong nhận được phản hồi từ Tổng Cục Du lịch.
Ông Huỳnh Tấn Vinh cũng cho biết, Hiệp Hội Du lịch Đà Nẵng xin phép đuợc mời các anh chị đại diện Tổng cục Du lịch sắp xếp thời gian đi thăm Sơn Trà để chứng kiến vẻ đẹp cùng sự đa dạng sinh học của bán đảo Sơn Trà.
Ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết thêm, đến cuộc họp này, Hiệp Hội Du lịch TP Đà Nẵng cũng trao bản khuyến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ do ông Trịnh Lê Nguyên (Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên), ông Trần Hữu Vỹ (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh) và PGS.TS Võ Văn Minh (Trưởng nhóm nghiên cứu - Giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật, Đại học Đà Nẵng) đồng ký tên.
Người dân thành phố Đà Nẵng rất bức xúc khi bán đảo Sơn Trà bị đào xới để xây biệt thự. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Theo nội dung bản khuyến nghị này, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo TP Đà Nẵng các vấn đề sau:
(1) Rà soát lại toàn bộ các quy hoạch liên quan đến bán đảo đã được phê duyệt nhằm thống nhất con số về diện tích rừng đặc dụng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà vì hiện nay số liệu về diện tích Sơn Trà còn mâu thuẫn.
(2) Rà soát và chấn chỉnh lại việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Sơn Trà, đặc biệt là chuyển đổi đất rừng đặc dụng/Khu bảo tồn thiên nhiên sang “đất khác". Trong đó, đặc biệt lưu ý xem xét lại nội dung và thẩm quyền ra quyết định số 6758/QD của UBND ngày 20-8-2008 của UBND TP Đà Nẵng về việc phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng trên địa bản thành phố giai đoạn 2008 - 2020.
(3) Tổ chức điều tra và thẩm định lại Đánh giá Môi trường Chiến lược đối với Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
(4) Xây dựng quy hoạch tích hợp tổng thể về bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, kết nối cả hệ sinh thái rừng và biển trong một tổng thể mối liên hệ sinh thái tự nhiên bởi đới bờ biển Sơn Trà là vùng chuyển tiếp giữa lục địa và biển. Giá trị của hệ sinh thái và đa dạng sinh học trên rừng, rạng san hô, thảm cỏ biển, các loài sinh vật biển cần được xem xét đầy đủ và tích hợp.
(5) Xem xét quy hoạch hợp nhất Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới trình UNESCO công nhận như mô hình Khu dữ trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An nhằm mục đích bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước.
(6) Xây dựng cơ chế thống nhất giao một đơn vị chính quản lý, bảo vệ rừng, quản lý mọi hoạt động du lịch của du khách và người dân lên bán đảo Sơn Trà. Xây dựng các barie kiểm soát, thu vé tham quan bán đảo Sơn Trà và xây dựng lộ trình chuyển đổi các phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường trên bán đảo như xe điện, xe đạp, đi bộ thay các phương tiện cơ giới. Theo hướng này cần thành lập lại Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đã có từ năm 2008 trở về trước.
Sơn Trà, ngôi nhà của voọc chà vá chân nâu, ngày đang bị thu hẹp. Ảnh: LÊ PHƯỚC CHÍNH
(7) Xây dựng mô hình du lịch sinh thái tạo ra thu nhập từ hoạt động bảo tồn hệ sinh thái và thiên nhiên hoang đã ở Sơn Trà. Theo đó, hình ảnh voọc chà vá chân nâu được xây dựng thành biểu tượng linh vật của Đà Nẵng tương tự gấu trúc ở Trung Quốc, đại bàng đầu trắng ở Mỹ, kangaroo ở Úc để thu hút du khách đến Đà Nẵng. Bán đảo Sơn Trà là nơi dễ dàng nhất trên thế giới có thể quan sát voọc chà vá chân nâu - “Nữ hoàng linh trưởng”. Đây là loài đặc hữu của khu vực Đông Dương, thuộc Sách Đỏ Việt Nam. Do đó, cần ưu tiên bảo tồn sinh cảnh sống của loài ở đai độ cao dưới 200m so với mực nước biển, mọi hoạt động du lịch đều phải được thiết kế đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống bình thường của loài linh vật biểu tượng này cũng như sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách.
(8) Nghiên cứu và áp dụng mô hình tổ chức phi lợi nhuận tham gia quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà như mô hình Công viên thiên nhiên Đảo Phillip ở bang Victoria của Úc và Khu bảo tồn khỉ lùn tarsier ở Bohol, Philippines. Theo đó, doanh thu từ du lịch sinh thái như vé tham quan, quà lưu niệm sẽ được tái đầu tư vào các chương trình bảo tồn thiên nhiên, nghiên cứu và giáo dục quan trọng tại công đồng địa phương.
Một góc Sơn Trà bị đào xới để làm khu du lịch khiến người dân bức xúc. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Ngoài những giá trị thiên nhiên và hệ sinh thái đặc biệt nổi trội, tiềm năng du lịch sinh thái bền vững, bán đảo Sơn Trà còn có vị trí quốc phòng an ninh trọng yếu. Do đó, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học kiến nghị cần hết sức thận trọng trong phê duyệt các quy hoạch phát triển ngành trong tương lai. Thực hiện các hoạt động tại bán đảo Sơn Trà nhằm đảm bảo tính bền vững của hệ sinh thái.
Đến 17 giờ 30 cùng ngày, cuộc họp kết thúc nhưng tất cả phóng viên các báo đều không gặp được ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch.
Trao đổi với báo chí sau cuộc họp, ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết, sau khi nêu các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch liên quan đến quy hoạch Sơn Trà, ông Hà Văn Siêu cho biết Tổng cục Du lịch cho rằng mình đã quy hoạch bán đảo Sơn Trà đúng quy trình nên không điều chỉnh quy hoạch. Vì vậy, kết thúc cuộc họp, tất cả các thành viên của Hiệp hội Du lịch dự buổi làm việc đều không ký vào biên bản làm việc vì cho rằng "hai bên không có điểm chung".
Vẫn giữ quan điểm cũ, ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh quy hoạch theo hướng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan tổ chức một cuộc hội thảo khoa học để lắng nghe, ghi nhận ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các tổ chức, hội nghề nghiệp... nhằm điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Trao đổi với báo chí sau cuộc họp, ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết, sau khi nêu các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch liên quan đến quy hoạch Sơn Trà, ông Hà Văn Siêu cho biết Tổng cục Du lịch cho rằng mình đã quy hoạch bán đảo Sơn Trà đúng quy trình nên không điều chỉnh quy hoạch. Vì vậy, kết thúc cuộc họp, tất cả các thành viên của Hiệp hội Du lịch dự buổi làm việc đều không ký vào biên bản làm việc vì cho rằng "hai bên không có điểm chung".
Vẫn giữ quan điểm cũ, ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh quy hoạch theo hướng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan tổ chức một cuộc hội thảo khoa học để lắng nghe, ghi nhận ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các tổ chức, hội nghề nghiệp... nhằm điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.