Tham dự hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, cùng đại diện các bộ ngành, cơ quan chuyên môn của Trung ương và địa phương.
Tại hội nghị, đơn vị tư vấn Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB), cho biết: Cảng Trần Đề có tổng diện tích quy hoạch hơn 4.435ha, trong đó khu hậu cần logistics có diện tích 4.000ha, khu bến cảng ngoài khơi 435ha. Cảng có cầu cảng vượt biển dài 17,8km, hệ thống đê kè chắn sóng dài 9.800m… có thể tiếp nhận tàu container trọng tải đến 100.000 DWT, tàu hàng rời 160.000 DWT.
Theo kết quả dự báo nguồn hàng thông qua cảng Trần Đề đến năm 2030 là từ 24 triệu đến hơn 32 triệu tấn/năm, năm 2040 là 37 triệu đến 50 triệu tấn/năm, năm 2050 từ 56 triệu đến 79 triệu tấn/năm.
Cảng Trần Đề có vùng hấp dẫn trực tiếp là 8 tỉnh: Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Mục tiêu của dự án là xây dựng bến cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL tại Trần đề (tỉnh Sóc Trăng); phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp cho toàn vùng; tăng cường kết nối, giảm chi phí vận tải và khối lượng hàng hóa tiếp chuyển lên các cảng biển Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL.
Cảng biển được chia thành 5 dự án thành phần, với tổng kinh phí giai đoạn khởi động là 44.965 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đầu tư 3 dự án thành phần (cầu vượt biển 17,8km, tuyến đường nối từ QL91B đến cầu cảng 6,3km, đê kè chắn sóng và nạo vét luồng) tổng vốn đầu tư 19.403 tỷ đồng (chiếm 43% tổng vốn).
Hai dự án thành phần còn lại do doanh nghiệp đầu tư (xây dựng hệ thống hạ tầng khu dịch vụ hậu cần; bến cảng ngoài khơi, bến cảng tiếp chuyển phí bờ, cầu dẫn kết nối với cầu vượt biển 1,85km), với tổng vốn đầu tư 25.292 tỷ đồng (chiếm 57% tổng vốn).
Liên quan nguồn cát cho dự án cảng, đơn vị tư vấn kiến nghị cho phép sử dụng nguồn cát biển được xác định trữ lượng tại khu mỏ B1 để phục vụ cho xây dựng cảng Trần Đề, với trữ lượng khoảng 33,93 triệu m³.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu đơn vị tư vấn cần tập trung làm rõ sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa đặc biệt của cảng biển Trần Đề, cửa ngõ của cả vùng ĐBSCL. Trong đó, cần tập trung làm rõ ý nghĩa chính trị, an ninh quốc phòng và vai trò phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của cả vùng. Bởi khi hình thành cảng, các tỉnh trong vùng sẽ phát triển các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ, đô thị… giúp giải quyết nhiều việc làm cho người dân. Qua đó, góp phần ổn định cuộc sống, đảm bảo trật tự xã hội, an ninh chính trị của vùng, đồng thời giúp giảm áp lực của các thành phố lớn như: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… cũng như việc giữ vững an ninh quốc phòng vùng biển Tây và biển Đông.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho rằng, quá trình nghiên cứu dự báo nguồn hàng thông qua cảng biển Trần Đề cần được tiếp tục đánh giá, phân tích chi tiết, cụ thể hơn nữa. Vì việc dự báo nguồn hàng chính xác quyết định tính khả thi, hiệu quả đầu tư, cũng như phân kỳ đầu tư của dự án. Theo đó, cần quan tâm đến các nguồn hàng như: hàng than, hàng xuất khẩu, nhập khẩu, nguồn hàng từ Campuchia và kể cả hàng trung chuyển… Đặc biệt, cần chứng minh thuyết phục được tính hiệu quả, lợi ích khi hàng hoá thông qua cảng Trần Đề mà không phải chọn các cảng khác.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh: Đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề là một quyết tâm chính trị lớn của tỉnh, đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng không chỉ người dân Sóc Trăng và còn cả người dân trong vùng ĐBSCL. Do đó, đơn vị tư vấn cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến, đề xuất của các bộ ngành, đơn vị chuyên môn để tiếp tục hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cảng biển Trần Đề, dự kiến sẽ hoàn tất báo cáo cuối kỳ vào tháng 6-2024.
Với ý nghĩa đặc biệt, mang tính lịch sử của cảng biển Trần Đề, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn kiến nghị các bộ ngành Trung ương, các đơn vị chuyên môn tiếp tục đồng hành, hỗ trợ địa phương trong quá trình triển khai dự án.