Đại diện Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải, đơn vị tư vấn dự án, cho biết: Cảng Trần Đề có tổng diện tích hơn 4.435ha, trong đó khu hậu cần logistics có diện tích 4.000 ha, khu bến cảng ngoài khơi 435ha. Cảng có cầu cảng vượt biển dài 17,8km, hệ thống đê kè chắn sóng dài 9.800m…
Theo dự kiến, tổng mức đầu tư cảng Trần Đề giai đoạn 1 là 46.850 tỷ đồng (năm 2028), giai đoạn hoàn chỉnh 153.896 tỷ đồng (năm 2050), từ nguồn vốn ngân sách (21% - 24%) và doanh nghiệp (76% - 79%).
Cảng Trần Đề khi đầu tư hoàn chỉnh có thể tiếp nhận tàu container trọng tải đến 100.000 DWT (6.000 đến 8.000 teus), tàu hàng rời 160.000 DWT. Ở giai đoạn 1, cảng có 2 bến (800m) cho tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100.000 DWT và 2 bến phao chuyển tải hàng rời (than) cho tàu trọng tải đến 160.000 DWT. Giai đoạn đầu, dự báo lượng hàng qua cảng khoảng (24,6 đến 32,53 triệu tấn/năm), giai đoạn hoàn chỉnh (56,7 đến 79,1 triệu tấn/năm).
Dự án cảng Trần Đề dự kiến có 5 dự án thành phần, gồm: hệ thống hạ tầng khu dịch vụ hậu cần; tuyến đường sau cảng kết nối từ quốc lộ 91B đến cầu vượt biển 6,3km; cầu vượt biển 17,8km; đê, kè chắn sóng và nạo vét luồng tàu; bến cảng ngoài khơi Trần Đề.
Cảng Trần Đề là cảng cửa ngõ của vùng ĐBSCL, phục vụ các tỉnh thành: Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, tăng cường kết nối, giảm chi phí vận tải và khối lượng hàng hóa tiếp chuyển lên các cảng biển Đông Nam bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội toàn vùng ĐBSCL.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu: Đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu để trình HĐND tỉnh trong tháng 6-2024, sau đó tỉnh sẽ cùng với các bộ ngành có liên quan thực hiện các khâu còn lại để đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trương đầu tư. Toàn hệ thống chính trị tỉnh cố gắng khởi công xây dựng dự án cảng Trần Đề vào cuối năm 2025.