Theo dự thảo, với người giữ chức vụ từ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao thì có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn; các đối tượng khác được kiểm soát ở mức độ đơn giản hơn với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tố cáo, có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên trong một năm.
Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Qua tập hợp, phân tích các ý kiến, đề xuất, Ủy ban Tư pháp (UBTP) và Cơ quan trình dự án cho rằng phương án xử phạt hành chính có nhiều yếu tố bất hợp lý nên đề nghị không lựa chọn.
Đối với 2 phương án còn lại, UBTP và Cơ quan trình dự án thống nhất chọn phương án 1 (thu thuế thu nhập cá nhân đối với phần tài sản, thu nhập này). Cơ quan thẩm tra nhận định, đây là phương án có nhiều yếu tố hợp lý, đáp ứng được các yêu cầu về phòng chống tham nhũng (PCTN), phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay và có tính khả thi nhất.
Như vậy, ngoài các quy định về xử lý đối với tài sản, thu nhập có dấu hiệu do phạm tội, do vi phạm pháp luật mà có thì đối với tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (và cơ quan có thẩm quyền cũng chưa chứng minh được do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có) thì có 2 phương án.
Ở phương án 1, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để thu thuế thu nhập cá nhân; đồng thời sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân để bổ sung thu nhập chịu thuế và thuế suất.
Phương án 2 là chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để phân loại, tài sản, thu nhập nào chứng minh được thuộc diện chịu thuế thì yêu cầu nộp thuế; các tài sản, thu nhập khác vẫn thuộc về người có nghĩa vụ kê khai.
Về thuế suất và việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (Điều 123 dự thảo Luật do Chính phủ trình), trong khi có nhiều ý kiến ĐBQH tán thành quy định mức thuế suất áp dụng đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là 45% (như dự thảo Luật), UBTP đề nghị, nếu UBTVQH quyết định sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân ngay trong Luật này để bảo đảm chính sách mới được thực hiện ngay sau khi Luật PCTN có hiệu lực và bảo đảm tính đồng bộ, thì Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần có ý kiến thẩm tra chính thức về loại thu nhập chịu thuế và mức thuế suất để có cơ sở cho việc chỉnh lý Điều 123 của dự thảo Luật.
ĐB Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh kiên trì nhắc lại quan điểm cho rằng bản thân người không kê khai đầy đủ, chính xác đã là vi phạm kỷ luật cán bộ công chức.
Đưa ra 6 lý do, ĐB Nguyễn Mai Bộ nhận định: “Thu nhập, tài sản kê không trung thực, không giải trình được thì xử lý phải theo con đường tố tụng dân sự (đưa ra toà án)”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng bày tỏ phân vân về cơ sở để áp dụng mức thuế TNCN 45% và cho rằng, những nội dung liên quan đến thuế thì phải sửa đổi bằng luật thuế để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Nhấn mạnh đây là vấn đề rất khó có được giải pháp hoàn hảo; nhưng đã được cả cơ quan soạn thảo và thẩm tra thống nhất cao, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải ủng hộ phương án 1. “Xử lý nhanh chóng những tài sản, thu nhập bất minh là yêu cầu rất cấp bách, được cử tri đặc biệt quan tâm”, bà Nguyễn Thanh Hải phát biểu.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hiện nay vấn đề quan trọng nhất còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật PCTN sửa đổi là việc xử lý thu nhập, tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục tập hợp thêm ý kiến, đặc biệt là ý kiến từ các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; Toà án, Viện Kiểm sát; báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi UBTVQH tiếp tục xem xét, hoàn thiện dự án trình Quốc hội tại kỳ họp tới.