Năm nay, tôi không thể đón tết ở quê nhà.
Năm nay nội tôi đã thôi làm nem, làm mứt…
Ông nội mất sớm khi tôi vẫn còn ở tuổi cởi trần tắm mưa, còn ông bà ngoại cũng đã di cư sang nước ngoài vài năm sau đó. Tuổi thơ của tôi, quanh quẩn bên cơi trầu của nội. Nội luôn đi chân đất, vội vàng, tóc búi cao, với chiếc áo bà ba có khi gài nút treo nút trễ. Chuyện ruộng vườn, chợ quán, gà heo, cứ đẩy nội đi, vết nẻ cũ ở gót chân chưa kịp lành đã nứt thêm vết mới. Gia tài của ông nội (vốn là thầy giáo làng) để lại chỉ là chút ít chữ nghĩa, một tay bà nuôi nấng, dựng vợ gả chồng cho cả 8 đứa con. Niềm vui xa xỉ của nội, có lẽ là những đêm lội bộ đi xem hát bội, hô bài chòi hay cải lương những khi có đoàn hát về làng.
Còn với đám cháu như bọn tôi, vui nhất, có lẽ là những lúc đón nội đi chợ về. Biết tôi đạp xe về chơi, thể nào nội cũng nhín chút tiền chợ, mua cho mấy cái bánh rán, trái bắp luộc hay bịch chè, gói xôi. Gần ba chục năm về trước, mấy món này đều là mỹ vị với đám con nít nhà quê. Sau này lớn tướng, dù đã lên cấp ba hay vô đại học, nội vẫn chiều chuộng y như thế! Vẫn rối rít đi dọn cơm, vẫn dấm dúi quà bánh mỗi lần tôi về thăm như lúc lên 8, lên 10.
Nhưng muốn ăn "đặc sản" của nội thì phải chờ đến tết. Những năm được mùa, bếp nhà nội tất bật ngày đêm và thơm ngào ngạt với đủ món mặn ngọt. Lá chuối xanh được rọc xuống từ sau hôm đưa ông Táo về trời để gói bánh chưng, bánh tét. Rơm khô nhặt sạch, chỉ giữ lại phần thân, rồi trải ra phơi thiệt khô để bó nem, bó bì. Nội cũng để dành mấy chục quả trứng ngon để đổ bánh thuẫn, cắt buồng chuối chát để ngâm chua, nhổ bụi gừng bên hàng rào, sàng lại mớ đỗ đen để làm mứt. Tết ngày ấy toàn là những món cây nhà lá vườn.
Nội bảo bì nem muốn ngon, phải làm từ thịt nóng. Khi mấy chú tôi loay hoay mổ con heo ngon nhất trong chuồng, cũng là lúc nội tất tả rang gạo làm thính, giã tỏi, xay tiêu... Tôi thường được giao nhiệm vụ hái lá ổi, nguyên liệu không thể thiếu để làm dậy lên mùi thơm đặc trưng của mấy món thịt chua xứ nẫu. Thịt heo thái mỏng (thịt nạc làm nem, thịt ba chỉ làm bì thì được chần qua nước sôi), vắt ráo nước, ướp với muối, bột ngọt, tỏi, tiêu, củ riềng (cho bì), thêm chút thính rồi gói chặt tay trong lớp rơm khô có trải lá ổi bên trong.
Cũng như muối dưa cà, làm bì nem cũng phải "có tay". Bí quyết nội truyền cho hết thảy con cháu dâu rể, nhưng bì nem nội gói bao giờ cũng ngon hơn cả! Ráo nước, rời rẽ, lên màu tươi, vừa đủ vị mặn chua cay vừa giữ được vị béo ngọt tự nhiên của thịt. Ăn một miếng ngậm nghe! Mà cuốn với bánh tráng, rau sống dưa leo mới hái ngoài vườn, chấm nước nắm nhỉ dằm trái ớt xanh, thì ngon hết sẩy! Ai đã từng thử qua bì, nem kiểu nhà làm rồi, mới biết nem chả chợ Huyện trứ danh - cũng phường anh em cột chèo, nhưng thể nào sánh bằng.
Sau này, dẫu bánh trái công nghiệp đã tràn về tới mọi vùng quê, nội vẫn giữ thói quen làm một hai món mứt "tủ" của mình. Nếp và đỗ đen nấu cho thật nhừ, rồi thêm đường, trộn với chút gừng giã nhỏ, sên hàng giờ trên chảo nóng. Khi đường tới, sờ vào không còn dính tay, nội sẽ mang ra cái sàng tre trải giấy báo với một lớp bột gạo, tạo hình thành những hình trụ tam giác dài. Mứt thập cẩm thì có thêm cà rốt, gừng sợi, hạt bí, hạt mè…, sên kỹ sẽ giữ được vị dẻo thơm đến cả tuần. Cái ngon của mứt còn nằm ở chỗ bất ngờ và đúng thời điểm. Chẳng đứa nào biết năm nay nội có "bảo bối" gì. Và chỉ đến khi tôi đã chán chê với bánh trái xanh đỏ trên bàn khách của mọi nhà, nội mới dúi vào tay miếng mứt ‘signature’ của mình.
Nội không biết nói những lời dịu ngọt, những cử chỉ âu yếm, yêu thương của nội nằm trọn trong những thức quà quê, bình dị mà thấm đẫm tình thân…
Đã từ lâu rồi, quê tôi, chẳng ai còn làm cốm đỗ đen, mứt thập cẩm. Đã hai cái tết, nội không còn ngồi còng lưng bó nem, làm mứt… Nội đi vào một đêm trăng rằm ở tuổi ngoài 80, khi tôi đang xa nhà hàng vạn dặm. Chiếc nón lá sen tôi mua cho nội từ Huế, chơ vơ nằm lại một góc nhà…
Tết này, ở một miền xa xăm, nội có làm mứt cho ông con?