Ờ ha, gió chướng thổi rào rạt trên mặt sông rồi, nước nổi bắt đầu rút, nghe thanh âm trong gió lao xao những câu chuyện "Thằng Bi sắp được dìa nhà, ráng phơi thêm ít con khô sặc, tết đến nơi rồi,..”. Thấy tết rờ rỡ ra đó, như đang bày ra trước mắt cảnh cô, dì, chú, bác tụ họp về nhà ngoại, cảnh dọn nhà, tiếng ai đó hỏi han nhau năm cũ vừa qua được mất thế nào, người buồn kẻ vui mà nói như ngoại: Vuốt mặt cái đi con, hết năm là hết, năm mới mình vui lại con à!
Trong cái nỗi nhớ quê da diết đó, mình chỉ nhớ nhất cảnh chộn rộn vui vẻ lúc gói bánh tét ngày 27 tháng chạp hàng năm. Mâm cúng tất niên bao giờ cũng phải có đòn bánh chay đặt trên bàn thờ phật, dĩa bánh mặn mời cúng tổ tiên, có như vậy thì mới đủ lễ rước ông bà.
Năm mợ út mới về làm dâu, cận tết, chắc nghĩ cho chu toàn, mợ đặt bánh trên chợ huyện đem về, bà ngoại nhìn mợ sững sờ, trưa đó bỏ cơm, nằm xoay vào vách, má mình thẻ thọt: "Út à! Mâm cơm bánh trái cúng ông bà là tấm lòng của cháu con đối với người đã khuất, gói bánh cũng là dịp hàn huyên trò chuyện, em mua thì tiện mà tại nếp nhà mình là gói bánh cúng em nha!".
Mợ út dạ nhỏ xíu rồi líu ríu vô xin lỗi ngoại, từ đó trở đi ít ai dám nhắc lại câu chuyện năm nào. Mà chắc mợ nghĩ ăn có bao nhiêu mà mần cực quá trời. Đúng là cực thiệt, vì cỡ 20, 21 là mấy dì đi lựa nếp ngon, rọc lá, mợ ba đem mấy kí đậu xanh nhà trồng qua trước.
Đêm trước ngày gói bánh, dì tư đem nếp đi vo, ngâm kèm ít miếng khóm cho nếp thơm, mềm dẻo. Người khác đem ngâm đậu, đãi vỏ thiệt sạch, xắt miếng thịt ba rọi sao cho khéo, dài đủ đòn bánh mà vuông vức đủ mỡ, nạc rồi đem tẩm ướp cho thấm thía mặn mà; chuối xiêm đen chín tới cũng lột, ướp xíu muối, đường dằn vị.
Đàn ông thì đi gom mớ gốc cây khô, củi to chất sẵn giữa sân nhà, vừa làm vừa bàn chuyện xóm nhà ai vừa tát đìa nhiều cá, năm nay khấm khá hơn nhiều,… loay hoay là tới khuya, nghe tiếng ngoại đấm lưng than mỏi là má cười: "Để con cháu nó làm, má làm ít thôi kẻo mai không ai xào đậu, gói bánh đâu à!". Bà ngoại luôn muốn tự tay sên đậu làm nhân, cũng chỉ ít dầu, đậu, mắm muối mà chỉ ngoại làm nó mới thơm nức, vàng ươm, rắc thêm miếng tiêu là mấy đứa nhỏ tìm đường chạy tới, xin vét chảo.
Sáng 27, mấy dì, mấy mợ người lau lá, người rọc dây, bày chiếc chiếu bên chái nhà. Cậu ba bưng hai, ba thau nếp to than: "Má ơi! Gói cả xóm ăn hả má!" Bà ngoại cười móm mém: "Ờ!". Cả nhà đều cười vì ai cũng hiểu thiệt tình là y vậy. Gói xong, nấu chín, bao giờ ngoại cũng sai mấy đứa nhỏ đem qua nhà Cô Sáu, chú Hai, ông Năm cặp bánh kèm câu: Ngoại/ nội con gởi đòn bánh ăn lấy thảo! Có ai đó hỏi “Sao má không xào nếp với nước cốt dừa, mình thêm nhân tôm khô, lạp xưởng cũng ngon đó má!’’, bà ngoại vừa thoăn thoắt gói bánh vừa thủng thẳng nói “Ba bây không thích nước cốt dừa’’, năm đó, ông ngoại mất đã tròm trèm chục năm.
Ngồi xíu đó, năm bảy người xúm nhau gói, cột, kể chuyện làm ăn, chuyện mấy đứa nhỏ học hành,… thấy như cuốn phim cuộc đời mỗi người tua nhanh được nhìn lại dưới cái nhìn đầy an nhiên, vui vẻ; má pha cho ngoại ca cà phê đá - món ghiền của ngoại. Túm tụm nhau làm mà tới hồi ngẩng mặt lên là quá xế, ăn thiệt lẹ miếng cơm rồi người nhóm bếp, người chất bánh vô nồi. Nhóm lửa, mùi gốc củi nhãn khói thơm lừng, tự dưng mỗi người lặng yên nhìn khói bay trong cái buổi chiều hôm ấy, ai nhớ ai? tiếc nuối gì? hi vọng gì? Chỉ khói bay lên trời vương vít,…
Bây giờ, đi cũng biết bao vùng miền, nếm cũng đủ món ngon, bánh tét các miền, từ nức tiếng như bánh tét Trà Cuôn, bánh miệt Hà Tiên thơm lừng thốt nốt, bánh tét lá cẩm quê chồng, ... mà đi đâu cũng chỉ nhớ, chỉ thèm cái vị bánh nhà mình. Miếng bánh cắt ra dẻo, thơm, đậm đà mùi vị mà ngon nhất chắc tại bánh đó của ngoại làm, của tình thân nên mới khiến cháu con nào đi xa cũng nhớ thắt lòng như vậy.
LÊ THỊ THANH THỦY
Tân Hiệp, Kiên Giang