Đỗ cua là giống cây phá đất, leo chái leo giàn. Nên đất trồng cũng kén. Phải là đất rừng mới phát. Rừng quê tôi cây lùm cây bụi, đất cát là chốn nương thân lý tưởng cho cây đậu cua. Cuối mùa khô người ta phát rẫy, chừa lại gốc chừng một mét để làm trụ cho dây đỗ có chỗ mà leo. Trước mưa chừng một tuần thì đốt rẫy, những ngọn lửa hung dữ đỏ đen cứ hét lên trời, bụi tro xám ngoét. Cái nghèo, cái đói làm người ta vật vã chẳng còn hơi sức đâu để ý những cảm xúc chạnh buồn thoáng qua. Đói nghèo đi kèm lạc hậu, kéo dài dai dẳng, sự thiếu hiểu biết về tác hại khi môi trường rừng đã bị tàn phá và hậu quả rất nặng nề.
Cái giá mà con người phải trả thật quá đắt... Nhưng thôi ngày đó đã quá xa, kí ức của tôi về ngày ấy đã lùi sâu vào quá khứ. Cũng như giống đỗ cua đã dần dần biến mất khỏi người dân xứ Nẫu quê tôi. Thế hệ sau này không còn ai biết đến nó. Bởi không còn rừng để phá và đốt nữa. Và thay vì trồng đỗ cua, người ta trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn
Tôi nhớ như in thím Bốn hàng xóm quê tôi thường hỏi má tôi vào những ngày cuối tháng Chạp.
-Tết này nhà gói bánh tét nhân gì hở thím Năm?
Má tui trả lời:
-Tao hông có gì gói đại nhân đỗ cua!
Đỗ cua hầm hơi lâu nhưng thơm đặc trưng lắm. Má đem đỗ ra ngâm rồi đãi, cho vô nồi bắt đầu hầm. Hầm lâu lắm, hầm cho mềm, cho rục. Rồi đem ra cái chảo chấy nhân cho nhuyễn. Xong đến đoạn xào nhân. Đã hơn hai mươi năm rồi tôi vẫn còn nhớ hương vị của bánh tét nhân đỗ cua. Thơm thơm, chát chát, ngọt ngọt, bùi bùi, béo béo… Má tôi xào bằng dầu phộng, giã tiêu thêm gia vị cho vừa miệng, năm nào có tiền thì má bỏ vô bánh miếng thịt heo ba chỉ bằng hai ngón tay.
Tết là những ngày tháng hạnh phúc nhất của những đứa trẻ lên mười. Khi đó chị em tôi đứa nào cũng vô tư không hề nghĩ rằng: Hằng ngày ba má tôi đã phải vất vả thế nào? Những khoản nợ nần cuối năm cần giải quyết. Nhưng vẫn lo cho chị em tôi cái tết đủ đầy.
Những năm đi làm xa không về quê ăn tết, đêm giao thừa nghĩ mà thương má tôi. Nghĩ đến cảnh bà ngồi một mình bên nồi bánh đang sôi, lọ mọ quét bàn thờ, đặt bông, đặt bánh. Lọ mọ bên mâm cơm cúng chiều ba mươi, mà thấy mình mắc tội.
Gọi điện về nhà:
-Tết này con về không được! Thôi để tết năm sau nhờ trời làm ăn khấm khá con về. Năm nay má có mua gì không? Đỗ cua nay mất giống rồi chắc giờ hông còn ai bán nó ngoài chợ nữa há má?
-Mày hỏi tao tao biết hỏi ai há mầy?
Má thở dài thành tiếng!
Trước đây, những dây đỗ cua bò dây leo xanh um và những bông hoa màu vàng dày đặc đẹp mắt. Hứa hẹn mùa đỗ cua có thêm tiền, lo cho một cái tết ấm áp, đủ đầy. Tháng Chạp lại về, lả lướt vài cơn gió bấc cứa vào lòng người những nỗi niềm riêng. Má tôi đi hái đỗ cua. Ba nói má bà cẩn thận có trăn, tại loại này thích ẩn nấp chỗ rậm tốt. Chờ cơ hội săn mồi.
Ba kể hồi xưa lâu lắm, khi ba chín tuổi, bà nội tôi đã bị trăn quấn sắp chết. Khi đó ba đã cầm liềm cứa dứt đuôi trăn, nên nó thả bà nội ra.
Phải tranh thủ đi hái lúc sáng sớm, chứ để quá mười giờ thì đỗ cua đã giòn dễ nổ tách làm hai. Những ngày nắng to nghe đỗ cua nổ lách tách mà xót ruột. Nên ba tôi lúc nào cũng tranh thủ đỗ chín tới là hái sớm.
Giống đỗ cua bây giờ mất hẳn ở quê tôi, bởi không còn ai trồng. Đất cũng không còn, thay vào rừng keo bạch đàn với lợi nhuận cao. Cũng không còn ai nhớ đến dây đỗ cua nữa. Chẳng còn hạt đỗ cua nào để làm bánh, nấu chè nấu xôi. Gói bánh tét, sẽ thay vào đó là thực phẩm khác tiện dụng hơn, mua trên mạng người ta "síp" tận nhà. Chợ truyền thống heo hắt buồn như nhà có con gái ế.
Có một thời mà con người ta không dễ dàng quên. Có những kỷ niệm đẹp không nhòe theo năm tháng. Có những phận đời lận đận cứ trôi đi, trôi đi. Dòng đời cứ tất bật, có ai về nhặt vội những kỷ niệm một thời cất sâu vào đâu đó. Có lẽ tất cả rồi cũng phôi pha. Ký ức của tôi về cái giống đỗ một thời, hương bánh một thời, cái dáng mẹ hao gầy trong cơn bấc cuối năm liêu xiêu như lời hát. Mai này có còn đọng lại?
nlanquy@gmail.com