Các tiệm bán bánh mì kẹp ở nước ngoài thậm chí còn giữ nguyên tên gọi bằng tiếng Việt là “Banh mi”chứ không chuyển ngữ.
Ngày nhỏ hồi những năm thập niên 80 thế kỷ trước, rất ít khi chị em tôi được ăn bánh mì. Bột mì phát cho nhân viên bệnh viện mà mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn lãnh về được nhào với nước, nặn thành viên rồi đem hấp chung với cơm, có lúc xa xỉ thì đánh trứng bông lên, trộn bột vào và áp chảo. Bánh mì thuở xa xưa chỉ xuất hiện đôi lần, khi bố tôi đi làm xa với chuyên gia Nga về. Bánh mì chấm với đường trắng, đôi khi là chấm với sữa đặc có đường hiệu Ông Thọ, ôi sung sướng cuộc đời!
Khi là học sinh cấp 2, có lò bánh mì nóng ở gần nhà cô bạn thân. Những cái bánh be bé nóng hôi hổi vẫn còn vương bột trắng được chuyền tay nhau. Tôi nhớ cảm giác ngấu nghiến moi ruột bánh mềm uột vê thành viên chén trước, sau đó mới nhai vội vỏ bánh giòn tan. Hai cái đầu mẩu bánh vốn cứng hơn nhưng lại giòn nhất bao giờ cũng để ăn sau cùng, những vụn bánh lắc rắc trong miệng.
Thuở sinh viên (khoảng thập niên 90) bọn tôi chế ra món bánh mì kem. Thời ấy kem cân du nhập từ Sài Gòn, là kem các loại bán theo ký lên ngôi ở Hà Nội. Kem cam và sầu riêng được chuộng nhất. Chúng tôi đến thăm bạn bè và mua một hộp kem làm quà cùng với vài ổ bánh mì nóng mua ở Ngã Tư Sở. Mua nhiều đến mức thành quen. Bánh mì với kem mùi cam, có sự kết hợp nào quái quái mà thú vị như thế không nhỉ?
Những ai từng là sinh viên hoặc từng làm khách ở căng tin Đại học Ngoại ngữ ở Thanh Xuân, Hà Nội vào những năm 1990, chắc hẳn vẫn nhớ quầy bánh mì kẹp trứng của anh Hiếu. Anh Hiếu lúc ấy chưa vợ, hơn tụi sinh viên mới vào trường đôi tuổi, trắng trẻo và đẹp trai, nụ cười tươi rói, bàn tay cũng trắng và mịn hơn cả tay con gái, đánh trứng bông với bơ, rắc ít hành lá thái nhuyễn, chiên cũng với bơ. Trứng phồng lên, xốp và thơm, anh lắc tay lật chảo, bánh trứng tung trong không trung lật mặt đã chín lộ màu vàng ươm xen hành xanh mướt. Trứng chín đều hai mặt, anh khéo léo cuộn lại và kẹp vào bánh mì đã rạch đôi, bọc giấy, trao cho các cô sinh viên đang đói mềm. Những năm tháng thanh xuân của tôi ấm bụng và ngon miệng nhờ nhiều ổ bánh mì trứng chiên bơ của anh Hiếu.
Còn giờ đây, nơi tôi ở không có loại bánh mì dài dài nổi tiếng vẫn được ca ngợi của Việt Nam. Người Đức rất tự hào về hàng trăm loại bánh mì của họ. Ngoài kiểu bánh mì dài vẫn giữ tên gọi tiếng Pháp là Baguette, và các loại bánh mì ổ to nặng cả ký bằng bột mì trắng, bột mì đen hoặc có trộn với các loại hạt; thì loại bánh làm từ bột mì trắng nhỏ bằng lòng bàn tay có dạng tròn hoặc bầu dục gọi là Brötchen cực phổ biến. Người ta rạch đôi chiếc bánh rồi kẹp các loại xúc xích và phủ mù tạt hay tương cà chua tùy khẩu vị, hoặc trét bơ, phủ thịt nguội, thêm xà lách, cà chua, dưa chuột thái lát. Brötchen kẹp với xúc xích rán (brat wurst) rất thông dụng ở Đức. Bữa trưa nhanh chóng, ngon miệng và đủ chất!
Những lúc hoài niệm quá vãng, tôi tự nhào bột với men, ủ bột qua đêm và hôm sau nặn mẻ bánh mới bỏ vào lò nướng. Khay bánh phồng dần trong lò, vỏ bánh chuyển màu vàng đậm và tạo đường nứt như bánh mì nhỏ ở Việt Nam. Mùi bánh mới ngập tràn, y như mùi của lò bánh mì gần nhà cô bạn năm nào. Máy nướng kêu ting báo hết giờ, kéo khay bánh ra, nhón lấy một chiếc. Ồ, bánh mới nóng hổi, và ruột mềm thật là mềm, vỏ bánh giòn thật là giòn! Tôi lại tìm thấy hương vị của mùi bánh mới ra lò thời thơ ấu ở Việt Nam với ổ bánh mì nhỏ nơi đất Đức. Đúng là mein Brötchen (bánh mì con con của tôi) rồi!