Từ nông thôn đến thành thị, chiếc bánh mì dài được làm theo phương pháp thủ công là hình ảnh quen thuộc trong đời sống thường nhật của người dân Pháp. Bánh mì baguette cũng là cảm hứng sáng tạo cho nhiều nghệ sĩ và đã đi vào nhiều tác phẩm nghệ thuật. Còn nhìn từ nước ngoài, nhắc tới nước Pháp, về ẩm thực, bánh mì baguette có lẽ là một trong những biểu tượng rất gần gũi, giản dị, bên cạnh vô vàn loại rượu vang, champagne hay phô mai. Vậy bánh mì baguette tại Pháp có từ bao giờ?
Theo sử gia Steven Kaplan, đến nay, tại Pháp thường lưu truyền 3 giai thoại về nguồn gốc bánh mì baguette. Nhiều người nói rằng bánh mì dài được những thợ làm bánh của Hoàng đế Napoléon phát minh vào đầu thế kỷ 19. Nhẹ và ít cồng kềnh hơn so với bánh mì ổ tròn kiểu trước đó, những ổ bánh dài dễ được binh lính mang theo người. Trong một giai thoại khác, bánh mì baguette có xuất xứ từ nước Áo và do một người thợ làm bánh thành Vienna tên là August Zang mang vào Pháp hồi năm 1839, ban đầu được bán ở Paris dưới dạng bầu dục.
Và cuối cùng, bánh mì baguette được phát minh trên công trường tàu điện ngầm Paris trong những năm 1900, thời kỳ người lao động từ khắp nước Pháp đổ về đây, và thường xảy ra các trận ẩu đả giữa công nhân vùng Bretagne và vùng Auvergne. Để ngăn việc người lao động dùng dao đâm nhau, các nhà thầu được cho là đã yêu cầu thợ làm bánh làm ra những ổ bánh mì dễ bẻ bằng tay chứ không cần dùng đến dao mới cắt được.
Thế nhưng, đó chỉ là các giai thoại truyền miệng. Sử gia Steven Kaplan khẳng định bánh mì baguette truyền thống có nguồn gốc từ thế kỷ 20, xuất phát từ sự thay đổi trong nhu cầu ăn uống của người dân thành thị. Tầng lớp khá giả sống ở đô thị muốn ăn bánh mì tươi nhiều lần trong ngày, trong khi những ổ bánh mì tròn, to, nặng 1,2-2kg thời đó lại quá to, phải ăn vài bữa mới hết. Hơn nữa, người ta cũng thích ăn vỏ bánh hơn là ruột bánh.
Trong nhiều thế kỷ trước đó, bánh mì được làm bằng bột chua, thu được từ quá trình lên men tự nhiên của vi khuẩn có trong lúa mì. Đối với người thợ, quá trình làm bánh rất cực nhọc, vất vả. Steven Kaplan kể lại, người thợ bánh mì thời đó được ví như “thợ mỏ trắng”, làm việc thâu đêm.
Nhiều người coi việc để thợ làm bánh mì lao động trong điều kiện như vậy là vô nhân tính, dẫn đến một phong trào tìm cách giảm mức vất vả cho họ. Đến năm 1919, Pháp có một đạo luật cấm thợ bánh mì làm việc vào ban đêm. Vì thế, những người thợ thủ công đã nghĩ ra một cách làm bánh mì đơn giản hơn và tạo hình baguette dài, mảnh để nướng bánh được nhanh hơn. Và thế là bánh mì baguette ra đời.
Theo Liên đoàn Quốc gia các cửa hiệu bánh mì - bánh ngọt của Pháp, 32.000 cửa hàng chế biến bánh thủ công với 180.000 lao động đạt doanh thu khoảng 11 tỷ EUR/năm. Thế nhưng, Bộ Văn hóa Pháp cho hay, số lượng hiệu bánh đã giảm sút mạnh trong 5 thập niên qua do sự cạnh tranh của các siêu thị với loại bánh mì công nghiệp, cấp đông.
Nhiều người hy vọng việc Bộ Văn hóa Pháp chọn bánh mì baguette để đệ trình UNESCO hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ góp phần gìn giữ ngành sản xuất bánh mì thủ công của Pháp trước sự cạnh tranh của phương thức sản xuất công nghiệp.