
Theo Sở Công thương TPHCM, thị trường tết tại TPHCM sắp tới sẽ tiêu thụ khoảng 18.000 tấn bánh, kẹo, tăng 10%-20% so với Tết 2015. Năm nay, thị trường bánh kẹo tết rất đa dạng, phong phú về mẫu mã, đặc biệt chất lượng sản phẩm trong nước không ngừng hoàn thiện nhưng giá bán vẫn ổn định.
Hàng hóa nhiều, giá ổn định
Tết năm nay, Công ty Kinh Đô - doanh nghiệp (DN) dẫn đầu ngành bánh kẹo trong nước không đưa ra những thông tin cụ thể về sản lượng hàng hóa tung ra trong dịp tết, nhưng về nhóm các mặt hàng lại có phần đa dạng hơn, với 3 dòng sản phẩm chính là nhóm quà tết đặc biệt; nhóm quà tết truyền thống và các sản phẩm cho giỏ quà tết. Ở mỗi nhóm, Kinh Đô thiết kế bao bì, mẫu mã với đầy đủ nội dung và tiêu chí rất rõ ràng để người mua hàng dễ dàng lựa chọn như bánh lát khoai tây Slide, kẹo chocolate Koko Choco, bánh bông lan Solite, Solite Gold, bánh AFC, bánh Cosy Marie.
Ở nhóm sản phẩm truyền thống như bánh hộp thiếc Korento, Cananga, Salvia,… Kinh Đô đầu tư nguyên liệu cao cấp và thiết kế sang trọng và là dòng sản phẩm chủ lực, có thể cạnh tranh tốt với các loại bánh hộp ngoại nhập. Mặt khác, Kinh Đô tiếp tục đầu tư chương trình truyền thông bằng các hoạt động mới mẻ và thiết thực như tổ chức xe Tết Kinh Đô mang không khí lễ hội đến các tỉnh thành, tái hiện nhiều trò chơi dân gian vui nhộn tại các trung tâm thương mại ở TPHCM và Hà Nội.

Mua bánh sản xuất trong nước tại cửa hàng bình ổn thị trường (Ảnh: CAO THĂNG)
Công ty cổ phần Bánh kẹo Bibica năm nay tung ra thị trường 1.600 tấn bánh/kẹo các loại, tăng gấp 2 - 3 lần so với tết năm ngoái, trong đó 30% giữ nguyên giá bán, số còn lại tăng 5%-10%. Để tập trung cho các sản phẩm chủ lực, năm nay Bibica tiếp tục đầu tư mạnh cho 2 dòng bánh cao cấp là Goody và Lạc Việt, hiện có mức tiêu thụ rất tốt trên thị trường, nhờ thiết kế tinh xảo, đẹp mắt, chất lượng vượt trội nhưng giá vẫn thấp hơn so với hàng ngoại nhập 20%-30%. Ngoài 2 dòng bánh cao cấp chủ lực, Bibica còn tung ra hơn 20 sản phẩm bánh kẹo dành riêng cho vụ Tết 2016, như: bánh hộp thiếc (Warmly - Happy), bánh hộp giấy (Cindy) và hộp nhựa (Emily), với đầy đủ các cấp, trọng lượng từ 300g, 350g, 600g đến 700g và đa dạng mẫu thiết kế, bánh được gói riêng từng chiếc, xếp trong khay một cách trang trọng với giá bán dao động 33.500 - 98.000 đồng.
Điểm nhấn của Bibica năm nay còn có dòng kẹo mềm, kẹo cứng hỗn hợp phục vụ cho tết, như kẹo mềm trái cây Ngũ Quả (mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, thơm), kẹo Phúc Lộc Thọ (mãng cầu, dừa, đu đủ), kẹo Phát Tài hộp giấy lục giác - hình thỏi vàng (kẹo cứng hương bạc hà, gừng, quế)… nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng vào dịp tết, tạo sự thuận lợi cho khách hàng khi mua sắm các sản phẩm biếu tặng, chưng cúng và đầy ý nghĩa may mắn trong năm mới.
Ở phân khúc thấp hơn, còn có các sản phẩm của Phạm Nguyên, các DN bánh kẹo từ phía Bắc như Hải Hà, Hải Châu, Bảo Hiên Rồng Vàng, Minh Ngọc; miền Trung có bánh kẹo Quảng Ngãi cũng đã tung ra thị trường sản lượng tăng 5%-10% để đa dạng hóa sản phẩm, tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Tại các chợ bán sỉ như Bình Tây, An Đông, các loại bánh kẹo bán xá, cân ký chủ yếu là do các DN, cơ sở sản xuất trong nước cung cấp. Hàng Trung Quốc không còn xuất hiện nhiều như trước.
Về sức mua đang tiến triển khá tốt, các DN sản xuất đã và đang cung ứng đạt khoảng 80% kế hoạch tết. Nhiều khả năng, sản lượng tiêu thụ tết sẽ đạt kế hoạch.
Hàng ngoại lép vế
Theo khảo sát của PV Báo SGGP, tại thời điểm này, trên quầy kệ của các siêu thị có vốn nước ngoài như Lotte Mart, Aeon Mall, Metro, đều có quầy kệ riêng cho bánh kẹo nhập khẩu, phần lớn là những thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng như Orion, Danisa, LU, Ritz,… Cụ thể, tại Lotte Mart, tỷ lệ bánh kẹo Việt chiếm xấp xỉ so với hàng ngoại, trong đó chủ yếu là các thương hiệu đến từ Hàn Quốc; tại Aeon chủ yếu là các sản phẩm bánh kẹo mang thương hiệu riêng tốp Value của Aeon; tại Metro, nơi được xem là có khá nhiều loại thực phẩm nhập khẩu nhưng tỷ lệ bánh nội cũng xuất hiện khá đầy đủ trên các quầy kệ của Metro. Các sản phẩm bánh kẹo nhập khẩu cũng vô cùng đa dạng từ Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Pháp, Đức, Mỹ...
Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Đối ngoại Big C, cho biết, bánh kẹo Việt chiếm khoảng 90% tổng lượng bánh kẹo đang bày bán tạo Big C. Người tiêu dùng ngày càng chuộng bánh kẹo Việt nhờ chất lượng nâng cao, mẫu mã, bao bì bắt mắt hơn. Nhiều thương hiệu Việt cũng làm tốt công tác quảng bá, thương hiệu trở nên quen thuộc, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cũng cho biết, trong cơ cấu hàng hóa tại hệ thống siêu thị Co.opmart thì hàng Việt hiện vẫn chiếm hơn 90%. Riêng nhóm hàng bánh kẹo thì hàng nội hiện chiếm trên 70%, trong đó mẫu mã rất đa dạng, phong phú, giá bán phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng. Để ủng hộ hàng trong nước, năm nay, Co.opmart tiếp tục ưu ái đưa vào các giỏ quà tết nhằm làm tăng giá trị, góp phần quảng bá cho các thương hiệu bánh kẹo trong nước.
Tại khu vực các cửa hàng bánh kẹo ở TPHCM, nhiều chủ cửa hàng cho biết, thời gian gần đây có khá nhiều nhà cung cấp nhờ bán thử một số mẫu bánh ngoại nhập. Tuy nhiên, khách hàng đến mua chủ yếu chỉ chọn 2 loại bánh quen thuộc là LU và Danisa, còn lại mua hàng trong nước, do vậy nếu nói là hàng ngoại lấn át hàng nội là không đúng. Chị Tòng, chủ cửa hàng tạp hóa Tòng, đường D2, quận Bình Thạnh, phân tích: “Hàng nội đang bán rất tốt nhờ giá rẻ và chất lượng cao nên tôi chưa có ý định thay việc bán bánh nội bằng hàng ngoại”.
Với nguồn sản xuất trong nước dồi dào, giá cả ổn định, chủng loại phong phú và xu hướng người tiêu dùng ưu tiên hàng Việt Nam, thị trường bánh kẹo nội địa phần nào đã cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, 11 tháng 2015, kim ngạch nhập khẩu bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc giảm 4,46% so với cùng kỳ năm 2014. Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc được nhập nhiều từ các nước châu Á bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines… trong đó Indonesia chiếm thị phần lớn, 33,4% tổng kim ngạch, tương ứng với 62,6 triệu USD, giảm 5,28%; đứng thứ hai là thị trường Thái Lan, 32,2 triệu USD, giảm 12,11%; Malaysia đạt 24,2 triệu USD, tăng 3,14% so với cùng kỳ…
Theo số liệu nghiên cứu thị trường bánh kẹo tại Việt Nam của một số công ty cho thấy, đến năm 2018, doanh thu toàn ngành bánh kẹo Việt Nam đạt khoảng 40.000 tỷ đồng. Thị trường bánh kẹo trong nước còn rất tiềm năng bởi mức tiêu thụ trên đầu người chỉ khoảng 2kg, thấp hơn mức trung bình của thế giới (2,8 kg/người/năm). Trong lĩnh vực kỹ nghệ thực phẩm, bánh kẹo là ngành có mức tăng trưởng cao và ổn định. Đây chính là lý do các DN nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này.
Như vậy, tại thời điểm này, bánh kẹo trong nước vẫn đang có nhiều ưu thế nhờ sự năng động, sáng tạo, DN biết khai thác và tập trung vào thế mạnh của từng dòng sản phẩm để tạo nên sự khác biệt. Trên thực tế, sản phẩm nào cũng có thị phần của nó. Do vậy, nếu DN trong nước tiếp tục giữ được “phong độ”, quản lý tốt về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chắc chắn sẽ chinh phục được người tiêu dùng.
HẢI HÀ