"Ôi sao bánh chưng có màu xanh đẹp thế? Xanh từ trong ruột bánh xanh ra lại còn thơm ngon nữa!" Đó chính là lời cảm thán của chồng tôi trong lần đầu đến ăn tết quê vợ. Anh không biết rằng để có màu xanh biêng biếc ấy, người ta cần phải chọn những lá riềng bánh tẻ, giã nhuyễn, chắt lấy nước rồi trộn đều vào gạo trước khi đem đi gói bánh.
Ở Thanh Hà, Hải Dương quê tôi, trộn nước lá riềng là một công đoạn không thể bỏ qua trong quá trình gói bánh chưng. Nó vừa làm cho bánh ngon, bánh đẹp, vừa là một loại nước khử khuẩn nhẹ khiến bánh lâu bị thiu.
Ngày còn nhỏ, tôi "chơi thân" với một bác gái, bác sống có một mình trong căn nhà gỗ rộng thênh thang. Ở gian giữa ngôi nhà ấy có một ban thờ lớn với vô số những tấm ảnh đã ố màu thời gian. Tôi nghe nói bác trai là bộ đội kháng chiến chống Mỹ, bác ra đi một lần rồi đi mãi không về, chưa kịp để lại cho bác gái một người con nào cả.
Trong vườn nhà bác được trồng rất nhiều loại cây ăn quả. Và dưới bóng mát của đám cây lâu năm ấy là những khóm riềng, khóm gừng xanh mướt. Ở thôn quê, mấy thứ rau gia vị thường mọi người chỉ xin nhà nhau chứ ít có khái niệm mua bán. Cứ mỗi dịp cuối năm là khóm riềng nhà bác lại trụi gần như hết lá vì mọi người đua nhau đến xin về để nấu bánh chưng.
Bác bảo rằng: người ta có quý mến mình thì mới đến xin còn không có cho họ cũng chẳng thèm lấy đâu. Vậy mình cũng không nên ích kỷ. Điều bác sợ nhất trong cuộc đời là tết chẳng có ai đến nhà chơi và chết không ai thèm đưa tiễn.
Cha mẹ tôi cũng hay xin lá riềng nhà bác, đổi lại tết nào cũng biếu bác cặp bánh chưng. Cha tôi nói, bác sống có một mình nên không hay bày vẽ. Nhà tôi đằng nào cũng gói thì cố thêm một chút để cho bác cũng có một cái tết tươm tất. Đó chính là tình làng, nghĩa xóm.
Ngày tết, mỗi người mỗi việc và tôi hay được cha giao cho nhiệm vụ giã lá riềng. Cái thứ lá ấy thật nhiều xơ và dai, giã rất mỏi tay nhưng mỗi khi chắt ra được một bát nước xanh trộn vào cho gạo lên màu biêng biếc thì tôi lại thấy khá là thú vị.
Cha tôi là người rất khéo tay, không cần gói khuôn mà chiếc bánh chưng lúc nào cũng vuông thành sắc cạnh, đẹp mà không quá chặt, luộc không bao giờ bị vỡ.
Một bí quyết nữa giúp bánh ngon, lâu thiu là luộc lần một sôi được vài phút là đem nước đổ đi, rửa bánh một lần nữa thật sạch sẽ rồi mới xếp vào nồi luộc lại. Cha nói cả năm mới có một cái tết, phải làm thật chỉn chu, cẩn thận mới được.
Thời gian như nước chảy hoa trôi, cha tôi đã theo ông bà về miền mây trắng. Mẹ và bác gái đều già yếu nên không còn gói bánh được nữa. Đứa trẻ là tôi năm nào giờ đầu đã hai thứ tóc. Tôi đem theo vị bánh chưng lá riềng cùng những ký ức tuổi thơ về với gia đình nhỏ của mình. Mỗi dịp tết về quê thăm mẹ, tôi cũng không bao giờ quên sang thăm và mừng tuổi bác láng giềng.
Và chưa lần nào bác thôi rưng rưng khi đón nhận món quà đơn sơ là cặp bánh chưng xanh màu lá riềng do tôi tự gói. Bác nói chúng tôi biết "báo hiếu" cho cả người ngoài điều ấy khiến bác vô cùng xúc động. Nhưng có lẽ bác không biết một điều rằng, trong lòng chúng tôi chưa bao giờ coi bác là người ngoài cả.
Có thể bây giờ chẳng mấy ai còn phải chịu cảnh thiếu thốn nữa nhưng tết đến, xuân về, những người già đều mong được con cháu quan tâm, những người trẻ thì muốn gặp nhau tay bắt mặt mừng bỏ qua mọi nỗi buồn hay khúc mắc của năm cũ. Đó mới là ý nghĩa thực sự của mấy chữ "Tết đoàn viên".
NGA NGA CAO
Địa chỉ: Chợ Láng Hạ A số 572 đường Láng, phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội
Email: nga.cao.hd@gmail.com