Lần đầu tiên, một nhóm gồm 6 chuyên gia độc lập đã công bố bảng xếp hạng 49 trường đại học (ĐH) Việt Nam. Kết quả xếp hạng được cho là “có vài bất ngờ” ngay lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Liệu bảng xếp hạng này có đáng tin cậy? Liệu nhóm chuyên gia độc lập có đủ tư cách để công bố với xã hội bảng xếp hạng đó?.. là những vẫn đề được đặt ra.
Không có tiêu chí tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm
Điều đáng chú ý, bảng xếp hạng được thực hiện trong gần 3 năm mà theo nhóm tác giả là không có tài trợ, khách quan và không liên quan tới lợi ích nhóm.
Tham vọng của nhóm tác giả này cũng là khá lớn khi đặt ra mục tiêu xây dựng một bảng xếp hạng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, mang tính định lượng, khả tín, khách quan và hướng tới chuẩn mực quốc tế.
Nhóm cho rằng có thể coi đây như một bảng xếp hạng để Chính phủ, phụ huynh, học sinh tham khảo cũng như các trường nhìn lại chính mình.
Trong số 100 cơ sở giáo dục mà nhóm khảo sát, chỉ có 49 cơ sở giáo dục ĐH (gồm 5 ĐH cấp quốc gia và cấp vùng, 5 học viện, 39 trường ĐH công lập và tư thục) được nhóm xếp hạng vì cho rằng có đủ thông tin, còn lại những trường chưa có đủ thông tin, thậm chí là những tiêu chí không có đủ dữ liệu (như tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm), nhóm cũng không tiến hành xếp hạng.
Nhóm không đưa vào danh sách các cơ sở giáo dục thuộc khối an ninh, quân đội, chính trị.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục ĐH mới thành lập, một số trường liên kết với nước ngoài và một số cơ sở giáo dục ĐH địa phương cũng không được đưa vào, vì thiếu số liệu công khai.
Dù vậy, bảng xếp hạng của 49 cơ sở giáo dục ĐH của nhóm với những thứ hạng “bất ngờ” cũng đủ gây dư luận trái chiều.
Kết quả không hoàn toàn thuyết phục?
Tại sao bảng xếp hạng ĐH lần đầu tiên được công bố này gây dư luận trái chiều?
Kết quả cho thấy, top 10 trường đứng đầu trong danh sách này là: ĐHQG Hà Nội (1), trường ĐH Tôn Đức Thắng (2), Học viện Nông nghiệp (3), ĐH Đà Nẵng (4), ĐHQG TP Hồ Chí Minh (5), Trường ĐH Cần Thơ (6), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (7), ĐH Huế (8), Trường ĐH Duy Tân (9), trường ĐH Sư phạm Hà Nội (10).
Và điều gây ngạc nhiên là một số trường ĐH trẻ, ít được biết đến hơn lại chiếm lĩnh vị trí cao trong bảng xếp hạng.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng vươn lên đứng thứ 2 về tổng thể, chỉ sau ĐHQG Hà Nội. Điều này có được là do thành tích vượt trội về công bố quốc tế, phản ánh thành quả của chính sách khuyến khích các tác giả trong và ngoài nước tham gia hợp tác để có ấn phẩm quốc tế đứng tên trường.
Một trường khác là ĐH Duy Tân cũng có những đầu tư bài bản để vươn lên thứ hạng cao (9), chủ yếu là nhờ thành tích trong công bố quốc tế (xếp thứ 3 ở tiêu chí này).
Còn các trường ĐH thuộc khối kinh tế có tiếng đều có xếp hạng trung bình – mặc dù các cơ sở giáo dục ĐH này đều có điểm thi đầu vào luôn thuộc top 10 - 30% của phổ điểm, sinh viên năng động, ra trường dễ kiếm được việc làm và được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Cụ thể, trường ĐH Ngoại thương chỉ đứng ở vị trí giữa (thứ 23), cao hơn một chút so với các trường cùng ngành khác là trường ĐH Thương mại (thứ 29), trường ĐH Kinh tế Quốc dân (thứ 30) và Học viện Tài chính (thứ 40), Học viện Ngân hàng xếp thứ 47.
Nguyên nhân chủ yếu được giải thích là sự hiện diện của các trường này trên các ấn phẩm khoa học quốc tế còn mờ nhạt, đồng thời có thể quy mô đào tạo lớn hơn so với năng lực đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ (đo bằng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên sinh viên).
Được xem là nhóm xây dựng bảng xếp hạng ĐH tổng thể đầu tiên tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu gồm sáu người gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thu thập dữ liệu: mô hình ĐH tại Việt Nam không thống nhất, các trường chuyên ngành và đa ngành có nhiều khác biệt, thiếu số liệu, hoặc có số liệu nhưng không đáng tin cậy và không cập nhật…
"Một khi dữ liệu đã không đáng tin cậy thì kết quả xếp hạng liệu có đáng tin cậy?" - chuyên gia giáo dục Phạm Thị Ly
Tuy nhiên, từ phản ứng của xã hội, của các trường có thể thấy, để có những bảng xếp hạng ĐH xác tín, làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chính sách, cho xã hội tham khảo, cho thí sinh có thêm nguồn thông tin đáng tin để lựa chọn tương lai của mình thì cần có cách làm bài bản, khoa học hơn.
Rõ ràng, có quá nhiều vấn đề phải rút ra sau bảng xếp hạng ĐH đầu tiên của Việt Nam để các tổ chức, các nhóm độc lập nếu tiến hành xếp hạng cần thực hiện bài bản hơn. Đơn cử, có nên xếp hạng chung các ĐHQG với các trường ĐH vùng, các ĐH riêng lẻ? Hay với giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay mà nói, tiêu chí "đầu ra" vẫn là cần thiết hơn cả. Nếu "đo" được tiêu chí này thì bảng kết quả của nhóm nghiên cứu tâm huyết này sẽ có giá trị hơn rất nhiều.
Tổ chức xếp hạng nên chăng cũng phải có sự công nhận của các trường hay của Hiệp hội ĐH-CĐ chẳng hạn, tốt nữa là của Bộ GD-ĐT. Bởi danh chính ngôn thuận. Nếu ai cũng đứng ra xếp hạng được thì dễ dẫn đến loạn thông tin.
Về cách làm, theo tôi tổ chức, nhóm đứng ra xếp hạng nên báo cáo Hiệp hội ĐH-CĐ hoặc Bộ GD ĐT, từ đó để bộ, hiệp hội công nhận hoặc phối hợp làm, như vậy sẽ rất thuyết phục đối với các trường. Tôi lấy ví dụ cách làm khôn khéo của Hội Tin học. Muốn làm xếp hạng, họ đến Bộ TT-TT báo cáo, vừa được sự công nhận về tổ chức, lại được Bộ cấp cho ít kinh phí. Khi công bố có cả sự hiện diện của Bộ và Chương trình ICT nhà nước. Đấy là cách làm của những anh biết làm.
Ngoài ra, để xếp hạng ĐH, đòi hỏi dữ liệu, thông tin đầu vào phải khách quan và tin cậy, đầy đủ, chính xác thì mới làm. Bản thân người tổ chức đánh giá thấy dữ liệu đầu vào không đạt thì nên dừng lại, nên làm lại từ đầu chứ liều mình công bố thì chẳng khác nào hại mình. Đó là lý do mà đại diện ĐH Bách Khoa học phản ứng rằng bằng mắt thường cũng có thể thấy cơ sở vật chất của họ hơn hẳn các trường khác nhưng vẫn bị xếp hạng thấp ở nội dung này.
* PGS LÊ THỊ THU THỦY, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương: "Chỉ có giá trị tham khảo"
Kết quả xếp hạng muốn thuyết phục thì dữ liệu phải chuẩn, tiêu chí đánh giá phù hợp và mẫu nghiên cứu đủ lớn. Nhóm nghiên cứu cho biết thực hiện việc xếp hạng dựa trên báo cáo ba công khai của các trường, nhưng chưa biết số liệu đó đã được cập nhật đầy đủ hay chưa.
Hiện nay, các bảng xếp hạng của thế giới có xếp hạng chung, xếp hạng theo nhóm trường. Nguyên nhân là các nhóm trường có đặc thù riêng, ví dụ như giữa Ngoại thương và Đại học y thì hai trường khác hẳn nhau về quy mô giảng dạy, hoạt động đào tạo, nghiên cứu...
Theo tôi, để đánh giá được thứ hạng của các trường thì cần phải có phương pháp, dữ liệu đầy đủ, chính xác với sự tham gia của trường đó. Hơn nữa, để đưa được bộ tiêu chí chuẩn để xếp hạng cũng cần thời gian và nghiên cứu cụ thể.
Tôi đồng tình với nhóm nghiên cứu nói rằng đây chỉ là thông tin tham khảo
* PGS-TS TẠ HẢI TÙNG, Giám đốc Trung tâm Navis, Đại học Bách khoa Hà Nội: "Dữ liệu không hợp lý?"
ĐH Bách khoa Hà Nội có khoảng 2.300 cán bộ, bao gồm 700 người phục vụ thí nghiệm, trong khi tiêu chí năng suất nghiên cứu (chiếm 10% đánh giá xếp hạng) được tính theo số bài báo ISI trên mỗi giảng viên. Điều này dẫn đến kết quả thiếu hợp lý.
Tôi cũng không đồng ý với kết quả đánh giá theo thước đo cơ sở vật chất và quản trị. Trong bảng xếp hạng theo tiêu chí này, ĐH Bách khoa Hà Nội thậm chí không nằm trong top 20, trong khi khuôn viên và thư viện của trường "chắc chắn thuộc top đầu miền Bắc