Bàng vuông Trường Sa tỏa bóng

Từ nơi đảo xa, những cây bàng vuông nhỏ bé theo chân những đoàn công tác về đất liền, rồi bén rễ xanh tươi như minh chứng cho sức sống kiên cường, cho tình cảm thiêng liêng giữa biển đảo quê hương với thành phố mang tên Bác.

Từ ngày 11 đến 19-5-2022, đoàn công tác số 9 - TPHCM với hơn 200 đại biểu đã hoàn thành tốt đẹp chuyến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Trường Sa và nhà giàn DK1. Chuyến đi được tổ chức sau một thời gian bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Trở về từ chuyến đi, dưới khoang tàu còn có thêm những cây bàng nho nhỏ.

Theo Chủ tịch UBND huyện Trường Sa (Khánh Hòa) Lê Đình Hải, cùng với những cây mù u, phong ba, bàng vuông là một loại cây đặc trưng của Trường Sa, có những cây tuổi đời hàng trăm năm và được công nhận là cây di sản. Thông thường, các đại biểu đến với Trường Sa thường mang theo hạt giống, cây giống để gửi màu xanh cho Trường Sa. Riêng bàng vuông là món quà màu xanh được gửi ngược từ đảo về bờ.

Với mong muốn gửi tình cảm của mình đến những đoàn công tác ra thăm, quân và dân Trường Sa đã ươm loài cây đặc trưng này làm quà tặng. Trước tiên, những hạt bàng già được hái xuống, phơi khô, ngâm, đưa vào những bầu đất, ươm thành cây con. Đất và phân bón được chắt chiu từ đất liền mang ra, trộn với đất ở đảo, cùng với những giọt nước ngọt quý giá trên đảo. Cây con được đưa vào vườn ươm thanh niên, chăm sóc hàng ngày…

Hiện tại TPHCM, nhiều đơn vị, địa phương đã vinh dự đón nhận cây bàng Trường Sa trong khuôn viên của mình như: khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh TPHCM, Viện Huyết học - Truyền máu, Trung tâm Văn hóa huyện Củ Chi, Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược và Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Trường THCS Trần Văn Ơn, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1), Công viên Phú Xuân (huyện Nhà Bè)…

Cây bàng vuông “cổ thụ” được đánh số 40 bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cây bàng vuông “cổ thụ” được đánh số 40 bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Rồi đây, những cây bàng vuông này sẽ lớn lên trong nắng gió của thành phố. Giống như cây bàng vuông “cổ thụ” được đánh số 40 bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Theo tư liệu của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh thành phố, cây bàng này được trồng vào ngày 30-4-2001, do Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải lúc bấy giờ cùng trồng.

Qua hơn 20 năm, đến nay cây có chu vi gốc gần 2,4m, cao hơn 13m, rễ khỏe khoắn gồ lên mặt đất. Những ngày đầu tháng 12-2022, cây vẫn đều đặn trổ bông kết trái sum suê. Những người đi tập thể dục buổi sáng hoan hỉ bước trên bãi cỏ, hít hà mùi hương hoa bàng vuông mát dịu tỏa trong không gian. Nếu may mắn, có thể nhặt được cả những trái bàng già rụng xuống, lấy về để khô làm kỷ niệm.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải chia sẻ, hiểu được ý nghĩa của món quà xanh Trường Sa này, nhiều địa phương, đơn vị đã đăng ký để được đưa cây về trồng. Những nơi được ưu tiên trồng bàng vuông là công sở, trường học, bệnh viện để ai cũng luôn nhớ về vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, tuy xa về địa lý nhưng gần trong tình cảm. Nhớ để tự hào, để nhắc nhở mỗi người hãy đóng góp sức mình, dù là nhỏ nhất, cho biển đảo quê hương ngày một xanh tươi, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.

Ở những nơi trồng cây, đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, những cây bàng vuông này thể hiện tình cảm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, cũng như bày tỏ thông điệp về ý chí, nghị lực và sự quyết tâm của quân và dân huyện đảo Trường Sa đối với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục