Nhiều ngày qua, hai xã Phước Thành và Phước Lộc bị cô lập do bão lũ. Để đưa được thực phẩm vào tiếp viện cho người dân, lực lượng quân đội, công an, thanh niên... phải cõng thực phẩm đi đường bộ vốn bị sạt lở nghiêm trọng để chuyển vào cho người dân. Thấy sự vất vả của lực lượng chức năng, hơn 500 đồng bào Giẻ Triêng và Bh’noong sống tại xã Phước Thành đã tự nguyện xin xã cho đi giúp đỡ. Các thanh niên trẻ, khỏe thì vừa cõng hàng, vừa giúp người dân khắc phục hư hại nhà cửa. Còn những người khác như phụ nữ, học sinh, người có tuổi thì tập trung tham gia cõng hàng, người khỏe cõng nhiều, người yếu cõng ít. Họ dắt nhau băng rừng lội suối, dìu nhau qua những vách đá cheo leo để mang hàng về địa phương, cùng chia cho nhau.
Trong chuyến cõng hàng hôm nay, chị Hồ Thị Phiêu (20 tuổi, dân tộc Bh’noong, trú thôn 4, xã Phước Thành) bị động thai, gần 40 thanh niên đã bỏ hàng lại cho những người khác chia nhau mang, họ gánh chị vượt rừng hơn 2 giờ để đưa đến trung tâm y tế xã cấp cứu nhưng do bão lũ nên trang thiết bị y tế ở đây đã bị hư hại. Nhận thấy nguy hiểm đến tính mạng, mọi người lại cõng chị Phiêu đến Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cấp cứu. Tối 4-9, chị Phiêu đã được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, theo bác sĩ Đinh Thúy Mai, Phó giám đốc trung tâm, hiện tại chị Phiêu đã bị sẩy thai, cũng may bệnh nhân được đưa đến kịp thời nên giữ được tính mạng.
Chồng chị Phiêu, anh Hồ Văn Luôn (26 tuổi, thôn 4, xã Phước Thành), làm dân quân tự vệ của xã Phước Thành, cho biết, mấy ngày nay anh lo đi giúp dân, giúp lực lượng chức năng cõng hàng. Trong khi chị Phiêu ở nhà đã cùng bà con băng rừng gần 20km đến xã Phước Kim để cõng hàng về xã Phước Thành. Đây là chuyến hàng thứ 3 mà chị Phiêu đã cõng. “Mình thấy vợ còn khỏe, với lại vợ cũng muốn giúp người dân nên mình đồng ý cho vợ đi, mình không nghĩ sẽ ảnh hưởng đến con. Cả làng ai cũng đói, lại bị cô lập nên mọi người phải cứu lấy nhau. Con mình mất rồi!”, anh Luôn nghẹn ngào.
Em Hồ Thị Thu Thủy, học sinh lớp 8, tham gia cõng hơn 25kg hàng cứu trợ đi từ xã Phước Kim về xã Phước Thành cho gia đình và người dân, chia sẻ: “Cả làng ai cũng đi, em khỏe em có thể đi thì em đi. Nếu gặp khó khăn thì mọi người sẽ cũng giúp nhau vượt qua. Đường sá hư hết không đi lại được, nếu mà chờ thì không biết đến bao giờ”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Hồ Văn Trung, cán bộ phòng Nông nghiệp xã Phước Thành, cho biết, xã Phước Thành là địa phương có hơn 40 ngôi nhà bị lũ cuốn hoàn toàn trong cơn bão số 9 vừa qua. Trong đó có 38 ngôi nhà bị vùi lấp, rất may không thiệt hại về người. “Gia đình anh Luôn thuộc hộ nghèo, anh Luôn lấy vợ được gần 3 năm, đây là đứa con đầu lòng của hai vợ chồng. Chúng tôi lo cứu trợ, giúp dân sửa nhà cửa, lo chỗ ở tạm cho hơn 40 hộ dân chưa kịp xong thì lo chống bão số 10. Cả làng xung phong đi làm nên chúng tôi có ngăn cũng không được và cũng không có thời gian để kiểm tra từng người một nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc này”, anh Trung nói.
Thủy điện Rào Trăng 3 có nguy cơ mất an toàn rất cao
Ngày 4-11, Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đã có công văn gửi Bộ Công thương và Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp về việc đánh giá mức độ an toàn đối với khu vực nhà máy thuộc Dự án thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Dự án thủy điện Rào Trăng 3 có công suất 13MW do Công ty CP thủy điện Rào Trăng 3 làm chủ đầu tư; được Tổng cục Năng lượng (nay là Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo) thẩm định thiết kế cơ sở tại công văn số 1959/TCNL-TĐ ngày 26-7-2017 và thẩm định thiết kế kỹ thuật ở công văn số 1324/ĐL-TĐ ngày 18-7-2018. Dự án hiện đã cơ bản hoàn thành thi công các hạng mục chính như: Khu đầu mối; nhà máy và trạm phân phối điện 110kV; hầm kỹ thuật; lắp đặt thiết bị nhà máy, trạm phân phối điện ngoài trời; Trạm phân phối điện 110kV ngoài trời. Tuy nhiên, từ ngày 6 đến ngày 13-10 tại Thừa Thiên - Huế đã có mưa rất to trên diện rộng với lưu lượng 1.500-2.000mm. Vào lúc 0 giờ 30 ngày 12-10 đồi phía sau nhà điều hành thi công công trình thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở, làm sập toàn bộ nhà điều hành và đất đá trôi lấp toàn bộ lán trại, gây thiệt hại về người. Ngoài ra mưa lớn cũng đã gây sạt lở khu vực nhà máy.
Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, qua kiểm tra, nhận thấy khu vực nhà máy thuộc Dự án thủy điện Rào Trăng 3 có nguy cơ mất an toàn rất cao, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị Bộ Công thương sớm có đánh giá mức độ an toàn đối với nhà máy nói riêng và toàn bộ dự án thủy điện Rào Trăng 3 nói chung theo đúng quy định.